Ngày 9/9/2024, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ thiên tai đã tổ chức phiên họp chia sẻ thông tin thiên tai khẩn cấp, đánh giá nhanh thiệt hại do cơn bão Yagi ( cơn bão số 3) gây ra, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão này.

Phiên họp được được chủ trì bởi Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ thiên tai – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Đồng chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai – bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Tham dự phiên họp có nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như FAO, UNDP, UNICEF, UN Women, WHO, USAID, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, HIS, ActionAid…, cùng đại sứ quán các nước Anh, Thụy sỹ, Canada, Nhật Bản, Úc…

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, khu vực bị ảnh hưởng của bão số 3 tại Việt Nam là các khu vực có cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Bên cạnh đó, Chính quyền và nhân dân trong khu vực đã có nhận thức tốt để chuẩn bị ứng phó với bão nên thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người đã được giảm thiếu xuống mức thấp nhất.

“Hôm nay, chúng ta ở đây để chia sẻ thông tin về cứu trợ để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai một cách hiệu quả, giúp công tác cứu trợ không bị trùng lặp, tránh lãng phí. Trước thiệt hại do cơn bão gây ra, với cá nhân, tôi thấy khu vực này cần thiết được hỗ trợ để ổn định lại cuộc sống, bao gồm các hoạt động như: sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp các nhu cầu cấp thiết cho người dân bị ảnh hưởng trong đó chú trọng vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, gia đình nghèo, neo đơn và người khuyết tật...", Thứ trưởng kêu gọi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, các nguồn cứu trợ khẩn cấp, thiết yếu như hàng hóa, tiền mặt, sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ để khắc phục hậu quả sau đó, như sửa chữa nhà cửa, đảm bảo sinh kế và an toàn xã hội còn gia tăng hữu ích hơn nữa.

Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đồng chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của Bão YAGI.

"Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng trong thời điểm đầy thách thức này", bà Pauline Tamesis khẳng định, và cam kết sẽ phối hợp với các đối tác của mình để cung cấp hỗ trợ cho các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Trong đó, trọng tâm vẫn là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, đảm bảo họ nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ cần thiết.

Bà Pauline Tamesis nhấn mạnh: "Liên hợp quốc nhận ra tầm quan trọng của việc triển khai các ứng phó phù hợp, với các ưu tiên của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng bị ảnh hưởng".

Những thiệt hại bước đầu do bão Yagi:

Theo Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), thiệt hại do bão số 3 gây ra tính đến 7 giờ sáng ngày 9/9/2024, đã có 26 người chết, mất tích, trong đó do bão trực tiếp 9 người; sạt lở đất, lũ quét 12 người; do lũ cuốn 5 người. Cụ thể: Lào Cai 6 người, Quảng Ninh 6 người (trong đó có 1 chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 513, Quân khu 3 và 1 chiến sỹ công an trại giam Quảng Ninh), Hải Phòng 2 người, Hải Dương 1 người, Hà Nội 1 người, Hoà Bình 4 người, Yên Bái 1 người, Lạng Sơn 2 người, Bắc Giang 1 người, Tuyên Quang 2 người. Cùng với đó, có 247 người bị thương do bão.

Về nông nghiệp: 113.593 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung Hải Phòng 7.005ha; Thái Bình 18.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 11.220ha; Lạng Sơn 3.688ha; Bắc Giang 4.822ha; Bắc Ninh 9.601ha; Vĩnh Phúc 6.000ha,...); 22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 1.600ha; Nam Định 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.293ha; Hải Dương 2.900ha; Hoà Bình 4.193ha, Lạng Sơn 1.136ha...); 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại (tăng 1.860ha so với báo cáo ngày 07/9) (tập trung tại Hải Phòng 1.650ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 900ha, Nghệ An 798ha,...).

Toàn miền Bắc, 121.668 cây xanh bị gãy đổ (Hải Phòng 6.059, Hà Nội 24.807, Hưng Yên 9.036, Hải Dương 40.000, Bắc Ninh 31.860,...).

Trên biển, 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Hơn 1.500 lồng bè (tăng 384 lồng bè so với báo cáo ngày 07/9) nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...).

Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, TP. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.