Anh Mang Khuya người dân tộc Raglai ở thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi. 6 năm sau, cha anh qua đời, 3 anh em dắt díu nuôi nhau. Năm 2011, Mang Khuya được vay 5 triệu chương trình tín dụng dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại ngân hàng chính sách xã hội nên đã mua 3 con dê sinh sản. Từ đó, anh Mang Khuya trở thành khách hàng quen thuộc của các cán bộ tín dụng phòng giao dịch ngân hàng chính sách thành phố Cam Ranh. Nhờ được vay vốn, Mang Khuya nuôi dê, nuôi bò, từ đó có tiền nuôi hai em học hành tới nơi tới chốn. Mức vay cũng tăng dần, từ 5 triệu lên 10 triệu rồi 50 triệu. Lập gia đình, tài sản bò dê để lại cho hai em, Mang Khuya lại tiếp tục vay vốn ngân hàng để làm ăn kinh tế. Cuối năm 2019, anh Mang Khuya bán bò dê, vay thêm bố mẹ vợ, làm được căn nhà trị giá 120 triệu đồng.

Tới năm 2023 này, vốn vay làm kinh tế cũng đã trả hết ngân hàng, anh Mang Khuya chỉ còn nợ 15 triệu đồng vay làm nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Trong chuồng nhà còn 5 con bò và 20 con dê. Điều tới giờ anh Mang Khuya tiếc nhất là giá như hồi trước mạnh dạn vay nhiều tiền của Nhà nước hơn thì nhà đã sớm có nhiều bò, nhiều dê.

Chia sẻ của anh Mang Khuya về quá trình vay vốn tín dụng chính sách:

Noi gương của Mang Khuya, giờ đây ở Cam Thịnh Tây, bà con người Raglai ai có sức lao động cũng đều mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để chăn nuôi. Ông Lê Văn Thảo, chủ tịch UBND xã cho biết Cam Thịnh Tây là xã khó khăn miền núi, gần như 100% hộ dân là người Raglai. Xã có gần 1600 hộ thì hơn 100 hộ nghèo. Nhờ được vay vốn từ ngân hàng chính sách và sự hỗ trợ của thành phố, hơn 50% số hộ dân vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội đã thoát nghèo. Nhưng để thoát nghèo bền vững, điều mong mỏi của ông Thảo là làm sao có nguồn vốn giải quyết việc làm cho bà con tiếp tục đầu tư vào sản xuất chăn nuôi. Được vay vốn, không chỉ có nguồn lực, bà con còn được tiếp cận các dịch vụ tài chính vi mô, nhận thức cũng thay đổi, dần dần bỏ thói quen ỷ lại vào Nhà nước mà mạnh dạn làm ăn. Vốn vay rồi cũng chủ động trả lãi, trả gốc. Ông Lê Văn Thảo tự hào khoe, từ ngày thành lập ngân hàng chính sách đến nay, Cam Thịnh Tây không có trường hợp nào nợ quá hạn.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước không chỉ giúp bà con dân tộc Raglay ở Cam Thịnh Tây thoát nghèo mà còn giúp nhiều người dân ở thành phố Cam Ranh khá giả. Anh Phan Minh Nhật ở phường Cam Phú hiện đang sở hữu 30 lồng nuôi tôm hùm xanh. Với giá tôm hùm xanh hiện nay vào khoảng 900 - 1 triệu đồng/kg, mỗi lồng tôm, sau 10 tháng nuôi, trừ chi phí, anh cũng thu về khoảng 30 triệu đồng. Anh Nhật cho biết, ở tổ dân phố của anh, ai cũng vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư nuôi trồng thủy hải sản. Lãi suất ưu đãi hơn ngân hàng thương mại, thủ tục lại đơn giản, thời gian vay dài, nên bà con có cơ hội thu được lợi nhuận nhiều hơn. Mong muốn của anh Nhật là Nhà nước tạo điều kiện nâng mức vay tín chấp từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng để người dân có đủ vốn lưu động mua thức ăn và tôm giống cho mỗi vụ.

Bà Phan Phước Thảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cam Ranh cho biết, tín dụng chính sách luôn được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua 20 năm triển khai, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% xã, phường trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ một cách thuận lợi. Đã có trên 61.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay; thu hút, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; hỗ trợ cải tạo cho trên 52.000 công trình nước sạch và sửa chữa cho 211 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Tính đến ngày 31/08/2023, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cam Ranh là 534,6 tỷ đồng với hơn 12.670 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Nhờ có tín dụng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 -2020 ở thành phố Cam Ranh đã giảm từ 8,8% xuống còn 1,3%. Giai đoạn 2021-2026, số hộ nghèo đa chiều cũng đã giảm từ 1,83% năm 2021 xuống còn 1,58% của năm 2023, hộ cận nghèo giảm từ 6,9% xuống còn 5,93%.

Bà Phan Phước Thảo, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TP Cam Ranh cho biết hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn: