Khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước là mong mỏi lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam khi đất nước bị chia cắt. Chính vì vậy, khi lời tuyên bố "Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn" vào lúc 11h30, ngày 30/4/1975, trên đài phát thanh khiến mọi niềm vui vỡ òa. Đến hôm nay - sau 47 năm, đất nước trải qua biết bao thăng trầm nhưng niềm vui ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sơn, quê ở tỉnh Thanh Hóa cũng như những người đi qua thời khắc lịch sử ấy. “Một kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên trong đời là khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Không có lời nào để tôi có thể tả hết tâm trạng của mình lúc đó”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho biết, nhập ngũ từ tháng 2/1961, sau đó theo đơn vị hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Đến năm 1964, ông được biên chế về Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, tiến đánh ở mặt trận phía Tây Tây Nam Sài Gòn. Vào khoảng tháng 4/1975 đơn vị đóng quân tại thị xã Tân An, tỉnh Long An. Nhiệm vụ là cắt đứt lộ 4, mục đích là không cho quân địch dồn từ Đồng bằng Sông Cửu Long lên chi viện cho Sài Gòn Gia Định, đồng thời chặn đường tháo chạy của địch từ Sài Gòn về Đồng bằng Sông Cửu Long. Đơn vị đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975. “Chiến thắng của đơn vị chúng tôi đã góp phần làm cho địch thảm bại. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh địch đi qua các ngã 3, ngã 4 và hạ vũ khí, quần áo, chất thành đống như đống rơm. Chứng kiến hình ảnh đó tôi càng thấy được sức mạnh của chiến tranh nhân dân của Đảng ta lãnh đạo”, ông Sơn nhớ lại.

Nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Đức Phúc, quê ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định lên đường nhập ngũ từ sớm, rồi được tôi luyện qua nhiều trận địa mà ranh giới giữa sự sống và chết rất đều rất mong manh. Ông cho biết đã 3 lần viết thư từ chiến trường về cho mẹ với nội dung: “Má ơi, có thể con không về nữa. Nếu đồng đội con gửi ba lô về cho má là con không còn nữa”. Chỉ tưng ấy con chữ thôi đã đủ nói lên sự ác liệt của cuộc kháng chiến. Nhưng cũng chính điều đó khiến ông luôn tự hào, hạnh phúc về những tháng ngày được ôm súng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc.

Ông Phúc cho biết trong “đời lính”, ông có rất nhiều kỷ niệm. Nếu nói về niềm tự hào thì đó là lần ông bắn rơi máy bay Mỹ trên không phận tỉnh Quảng Nam vào năm 1966 và được phong danh hiệu dũng sỹ. Còn nói về niềm vui, hạnh phúc tột bậc thì phải kể về thời khắc ông nghe tin lá cờ cách mạng tung bay trên thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, đánh dấu thời điểm non sông nối liền một dải, nhà nhà chung niềm vui đoàn tụ. “Khi tôi nghe tin chiến thắng, miền Nam được giải phóng, cảm xúc dâng trào, buồn vui lẫn lộn. Mình buồn vì có những đồng chí hy sinh, vui vì đất nước được giải phóng. Bản thân tôi khóc, khóc cả tuần vì niềm hạnh phúc quá lớn”, ông Phúc kể.

Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng - khoảng thời gian không ngắn với một đời người, nhưng tâm trạng xúc động, bồi hồi vẫn luôn trở đi, trở lại với những người trong cuộc, nhất là mỗi độ tháng Tư về. Điều đó không có gì khó hiểu bởi Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, mà chính họ là những người góp phần làm nên chiến thắng ấy.

Nghe bài viết dưới đây: