Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, có những địa phương làm tốt, nhưng cũng có những nơi làm hời hợt, thiếu trách nhiệm, làm cho có. Để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid quốc gia đã yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định, không nể nang, né tránh, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Một số tỉnh cũng đã khiển trách, phê bình, kỷ luật, thuyên chuyển công tác…. đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, để dịch bệnh lây lan như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đắc Lắc…..

Cũng vì áp lực do công việc mà mới đây, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu gửi đơn lên Huyện ủy Long Điền xin nghỉ việc với lý do "có thiếu sót" trong chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch Covid-19, một số nơi trong huyện chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nên vẫn còn phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng và trong khu phong tỏa. Tuy nhiên, sau khi được Tỉnh ủy động viên chia sẻ, Chủ tịch huyện Long Điền đã rút đơn và đi làm lại. Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: khi cán bộ thấy mình không đủ năng lực, trình độ để đảm đương công việc nên xin làm đơn nghỉ việc thì hãy cho họ nghỉ theo đúng nguyện vọng. Địa phương chắc chắn có rất nhiều người có đủ bản lĩnh, năng lực nhưng tại sao lại phải níu kéo? “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cán bộ giỏi hay yếu sẽ bộc lộ được rõ nhất qua công tác phòng chống dịch Covid - 19 ở địa phương. Qua công việc cụ thể mới thể hiện được năng lực của mọi người, theo bà An, “chỉ có quẳng xuống sông mới biết ai bơi giỏi”.

PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, cần phải có chế tài chặt chẽ ràng buộc trách nhiệm đối với công chức từ khâu giới thiệu, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ người về phải chặt chẽ. Những người đã vi phạm thì không nên điều chuyển từ vị trí này sang vị trí kia. Trong việc sử dụng cán bộ không thể theo tư tưởng “đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại”. Nếu cán bộ lãnh đạo không đủ đức, đủ tài thì không nên dùng.

Ở nhiều nước trên thế giới, nếu ai đó không hoàn thành nhiệm vụ, họ đều có thể xin thôi việc, xin tử chức kể cả những người lãnh đạo cấp cao của Nhà nước như Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, thậm chí cả Thủ tướng. Thế nhưng ở Việt Nam, điều này dường như chưa có tiền lệ. Một trong những nguyên nhân là do hiện nay, việc đề bạt một người lên nắm giữ cương vị chủ chốt hay cán bộ lãnh đạo nghỉ việc đều phải thực hiện tuân thủ theo một quy trình. Đây cũng là một cản trở lớn cho việc xin từ chức và hay bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo.

Chúng ta có rất nhiều văn bản để điều chỉnh quá trình công tác của cán bộ công chức cũng như việc bổ nhiệm hay cho thôi việc cán bộ. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu, chỗ thì lại xử lý rất nghiêm nhưng chỗ lại làm cho có hoặc chỉ “đóng cửa bảo nhau”. Chính vì vậy cần phải có 1 văn bản thống nhất, có cơ chế miễn nhiệm và xin từ chức một cách kịp thời, hiệu quả từ cấp Trung ương xuống tới địa phương; đồng thời trao quyền cho các cấp lãnh đạo có quyền này, để có thể chỉ đạo miễn nhiệm, cách chức cũng như tạo điều kiện cho người không đủ năng lực tự nguyện xin từ chức, thôi việc. Có vậy mới tạo điều kiện để những người giỏi, dám chịu trách nhiệm, dám làm có cơ hội để tiếp quản, gánh vác những vị trí, công việc quan trọng. Đặc biệt trong công tác phòng chống Covid-19 như hiện nay, càng cần những người cán bộ đứng đầu quyết liệt, dám hy sinh bản thân, đương đầu với thử thách./.