Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan. Điều này tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VOV2, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng đây cũng là thời điểm có nguy cơ cao xảy ra những sự cố môi trường. Những vệt dầu lạ tràn vào bờ biển Quảng Bình chỉ là một ví dụ.

Phóng viên: Thưa ông! Mới đây, tại một cuộc hội thảo trực tuyến bàn về việc bảo vệ môi trường trong đại dịch, một số chuyên gia lo lắng về nguy cơ xảy ra các sự cố về môi trường. Qua thực tế, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Sơn: Sự cố môi trường vẫn liên tục xảy ra, không hề có sự thay đổi, không dính dáng gì đến dịch Covid-19 cả. Không có dịch bệnh thì sự cố vẫn xảy ra. Tuy nhiên, khi giãn cách xã hội thì nguy cơ sự cố tăng lên rất nhiều. Như vừa rồi, hàng loạt tàu cá ở Bình Thuận theo quy định về giãn cách thì các tàu chỉ có một người duy nhất ngủ lại để trông coi tàu thôi; hoặc trường hợp ở Đà Nẵng, khu vực tàu neo đậu không được ai vào, khi xảy ra sự cố cũng chỉ cho ít người vào. Nhà ai có tàu bị trôi ra biển thì cho một hoặc hai người vào để tìm cách khắc phục nên rất tạo thêm nguy cơ và khó khắc phục.

Phóng viên: Đề cập nguy cơ xảy ra những sự cố môi trường trong thời gian giãn cách xã hội, dư luận còn cho rằng có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời điểm các địa phương tập trung phòng chống dịch để xả thải trộm. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Sơn: Tình trạng cố tình “mượn gió bẻ măng”, xả thải, theo tôi vấn đề này thì có nhưng rất bất tiện khi đưa ra thông tin ở đây. Người ta tìm cách để xả thải vì nó giảm chi phí cho doanh nghiệp trong vấn đề xử lý chất thải mà thời điểm này thì ít có sự giám sát của người dân vì họ bị hạn chế ra đường

Phóng viên: Nếu không được ngăn chặn kịp thời vấn đề này có thể tạo ra những hệ lụy gì, thưa ông?

Ông Sơn: Doanh nghiệp xả thải, thậm chí chôn chất thải, dạng lỏng, khí hay rắn. Khi những chất này ra không khí hoặc xuống nước thì rất khó phát hiện. Các chất độc hại phát tán ra môi trường đất, nước, rồi nhiễm vào cây trồng, vật nuôi…, Con người ăn vào thì ảnh hưởng lâu dài mà chúng ta không thể đánh giá được. Nó khác với chuyện xả thải ra môi trường mà con cá chết ngay và người ta nhìn thấy ngay. Việc bị nhiễm độc thứ cấp sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người.

Trong vấn đề ứng phó sự cố và kiểm soát ô nhiễm. Nếu chúng ta phát hiện ra, ngăn ngừa và xử lý kịp thời thì đương nhiên hậu quả sẽ giảm đi nhiều. Ví như với thủy ngân, lúc nó phán tán ra môi trường mà chúng ta phát hiện kịp thời, khoan vùng và tiêu tẩy thì không sao. Còn nếu để nhiều ngày, nhiều tháng thì nó nhiễm vào chuỗi thức ăn thì hậu quả rất khó đong đếm.

Phóng viên: Vậy ông có kiến nghị gì để hạn chế nguy cơ và xử lý kịp thời nếu xảy ra những sự cố về môi trường trong thời gian này - khi mà nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội?

Ông Sơn: Thời gian vừa qua chúng ta có điểm tích cực là dồn toàn bộ nguồn lực, con người, thời gian, tất cả các sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cho công tác chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét lại việc này. Không thể “ngày một, ngày hai” chúng ta có thể dập được dịch. Các cơ quan chuyên môn tham gia chống dịch nhưng vẫn phải chú trọng vào công việc của mình để đảm bảo “mục tiêu kép”. Sở Tài nguyên và Môi Trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…phải có những biện pháp rà soát những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, nguy cơ xả thải ra môi trường. Tôi nghĩ đây cũng là cách để đảm bảo cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Công việc rà soát cần những người có chuyên môn. Các địa phương hiện cũng có nhiều chuyên gia về lĩnh vực này. Các cơ quan chuyên môn có thể mời họ đi cùng các đoàn kiểm tra để nhận diện các rủi ro, trên cơ sở đó có sự chỉnh đốn kịp thời.

Nói chung, với tình hình dịch diễn biến phức tạp như vậy thì chúng ta cần phải nhìn nhận lại, tránh dồn tất cả các nguồn lực, lực lượng vào chống dịch.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!