Hôm nay (27/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đánh giá cao nội dung dự thảo, song các đại biểu còn nhiều băn khoăn về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 95, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương mỗi tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu một tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho rằng hiện nay với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân, người lao động không đủ chi phí trong cuộc sống cá nhân, chưa tính đến cuộc sống gia đình của người lao động. Bởi lẽ, mức lương hiện nay doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp hầu hết là theo mức lương tối thiểu vùng, khoảng hơn 4 triệu đồng/ tháng và mức trợ cấp thất nghiệp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Từ thực tế này, bà Sang kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi mất việc làm, “Tôi đề nghị nghiên cứu quy định tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp để phù hợp với thực tiễn của cuộc sống hiện nay”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang kiến nghị cụ thể mức hưởng.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cũng có chung góc nhìn và quan điểm khi xem xét mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định trong dự thảo. Bà An cho biết đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy mức chi tối thiểu của gia đình người lao động trong năm 2023 là khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động chỉ khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, tức là mới đáp ứng được khoảng 30% mức chi tiêu tối thiểu. Mức hưởng này vì thế không đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống của người lao động. “Luật việc làm đã trải qua hơn 10 năm áp dụng. Một số nội dung không còn hợp lý với thời điểm hiện nay. Cụ thể là quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi thấy chưa phù hợp. Tôi đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi mất việc làm để đảm bảo cuộc sống cho họ trong giai đoạn hiện nay”, bà An kiến nghị.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, còn kiến nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng nội dung của điểm a, b khoản 1 Điều 64 khi bổ sung và loại trừ 4 nhóm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Điều 64 dự thảo luật đã bổ sung và loại trừ 4 nhóm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, một là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; hai là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; ba là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động; thứ tư là người lao động bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tôi cho rằng nội dung này sẽ gây bất lợi cho người lao động”, bà Trân đánh giá.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, trên thực tế nhiều trường hợp người lao động đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp nhưng không thể hưởng vì lý do bất khả kháng, phải đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không thể báo trước theo quy định. Đôi khi người lao động vi phạm kỷ luật không hoàn toàn xuất phát từ lỗi cá nhân mà từ áp lực hoặc nhiều điều kiện, làm việc bất công dẫn đến mất cân bằng quyền lợi cho người lao động. Do đó, bà kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo nguyên tắc có đóng, có hưởng nhằm cân bằng, hài hòa quyền lợi của người lao động khi thất nghiệp, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong các trường hợp bất khả kháng; kèm theo đó là người lao động phải chứng minh được lý do chính đáng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc vi phạm quy định; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh thay vì cấm đoán hoàn toàn và chỉ nên loại trừ trợ cấp thất nghiệp đối với các trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.