Trong ngày 8/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đưa 2 đoàn tầu, chuyên trở hơn 2800 công dân quê ở Quảng Bình khởi hành từ TP.HCM về Quảng Bình. Đây là một trong những chuyến tàu chuyên biệt đưa các hành khách đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình và Quảng Bình thực hiện.

Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, ngành đường sắt đã dừng hoạt động vận chuyển khác từ ngày 25/8. Ngay khi có chủ trương nới lỏng dãn cách, sớm đưa hoạt động vận tải đường sắt quay lại tình trạng bình thường mới, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra văn bản 1740, đưa ra những quy định cho các loại hình vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã gửi công văn 2253 tới 22 địa phương trên tuyến đường sắt Bắc Nam xin ý kiến về kế hoạch chạy tầu. Nhưng đến thời điểm trưa 8/10 mới chỉ có thông tin chính thức bằng văn bản từ UBND TP. Đà Nẵng trả lời đồng ý cho tàu đường sắt chở khách chạy lại theo phương án của Cục Đường sắt Việt Nam. Được biết, Sở GTVT của 2 tỉnh Phú Yên và Quảng Trị cũng đã tham mưu cho tỉnh, cơ bản thống nhất với kế hoạch chạy tàu của Cục Đường sắt. Tuy nhiên, văn bản chính thức của UBND 2 tỉnh thì Cục Đường sắt chưa nhận được.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam chia sẻ: Đặc thù của ngành đường sắt là khi nối lại vận tải là cân lập những đôi tàu, đi dọc tuyến thì cần có những ga đón trả dọc đường, hành trình xuyên suốt. Đơn cử nếu khôi phục đôi tàu tuyến Hà Nội - TP.HCM thì cần đón trả khoảng 30 ga, tuyến Hà Nội-Hải Phòng cũng đón trả khoảng 8 ga. Vì vậy chúng tôi mong muốn có sự nhất quán, đồng bộ của những địa phương có đường sắt đi qua, bởi nếu có địa phương đồng ý, nhưng vẫn có địa phương không đồng ý thì rất khó cho chúng tôi khôi phục lại những chuyến tàu khách.”

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, ngành đường sắt mặc dù ngừng mọi hoạt động vận tải hành khách nhưng cũng tổ chức hàng chục chuyến tầu chuyên trở miễn phí y, bác sĩ và vật tư y tế chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nhận thấy nhu cầu công nhân và những lao động sinh sống ở vùng dịch có mong muốn quay về quê, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng phối hợp với các địa phương xây dựng các chuyến tàu chuyên biệt “Một cung đường 2 điểm đến” để vận chuyển người dân trở về quê bằng đường sắt.

“Việc vận chuyển bằng đường sắt đảm bảo được an toàn và sức khỏe của người dân khi về quê. Thực tế nếu vận chuyển bằng đường sắt lộ trình tàu là xuyên suốt, không dừng nghỉ, nên có thể kiếm soát được dịch bệnh. Hơn nữa khi người dân lên tàu, chúng tôi cũng chia khoang hành khách để kiểm soát. Còn tại nơi đến, địa phương có thể nắm rõ số lượng, tình trạng sức khỏe của hành khách. Hành khách rời bến đều phải thực hiện cách ly theo yêu cầu y tế. Vì vậy có thể nói an toàn hơn nhiều so với di chuyển tự phát của người dân. Nhưng để thực hiện tốt điều này rất cần sự phối hợp và thống nhất của địa phương điểm đi và điểm đến”- ông Đặng Sỹ Mạnh nói.

Được biết, chiều 8/10, Bộ GTVT họp trực tuyến với các địa phương để tìm phương án tốt nhất cho việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện vận tải trong đó có đường sắt. Các địa phương nên sớm đưa ra câu trả lời và cùng tìm ra tiêu chí chung cho việc vận tải, vận chuyển hành khách trong tình hình mới.

- 22 địa phương Cục Đường sắt đề nghị cho ý kiến về kế hoạch hoạt cho tàu chạy trở lại từ 7/10 gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM

- Ngày 8/10 mới chỉ có thông tin chính thức bằng văn bản từ UBND TP Đà Nẵng trả lời đồng ý cho tàu đường sắt chở khách chạy lại theo phương án của Cục Đường sắt. Được biết, Sở GTVT của 2 tỉnh Phú Yên và Quảng Trị cũng đã tham mưu cho tỉnh, cơ bản thống nhất với kế hoạch chạy tàu của Cục Đường sắt. Tuy nhiên, văn bản chính thức của UBND 2 tỉnh thì Cục Đường sắt chưa nhận được. Các tỉnh thành còn lại chưa hoặc không trả lời.