Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Định (ĐBQH tỉnh Hà Giang) phân tích, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) dài.

Cụ thể, một trong những điều kiện hưởng lương hưu của người lao động là đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. Theo Điều 73 của Luật BHXH năm 2014, tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi, 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ, sau đó cứ mỗi một năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035 theo Nghị định số 135 của Chính phủ.

Thời gian tham gia BHXH dài khiến cho một bộ phận người dân không muốn tham gia BHXH và khi đã tham gia thì có tâm lý muốn thôi không tham gia nữa để giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

"Chính phủ xem xét có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH", đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định kiến nghị.

Từ thực tế số người tham gia BHXH tự nguyện chưa đạt được kết quả như kỳ vọng trong khi tỷ lệ người làm thủ tục hưởng BHXH một lần tăng, bà Đoàn Lê An (ĐBQH tỉnh Cao Bằng) đề xuất nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH năm 2013 trong thời gian tới với các chính sách hướng tới bao phủ BHXH toàn dân.

Bà Đoàn Lê An cho rằng việc sửa đổi Luật BHXH cần theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức được hưởng tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Đồng thời bổ sung dần các chế độ hưởng BHXH như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động để hấp dẫn người lao động...

Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH, ông Nguyễn Duy Minh (ĐBQH TP. Đà Nẵng) cũng cho rằng cần nghiên cứu sớm sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ từ 20 năm xuống 15 năm, tiến đến còn 10 năm như theo Nghị quyết 28 đã đề ra.

Đặc biệt, cần nghiên cứu có gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động.

Trong thực tế, công nhân lao động thường làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng tầm 5 năm đến 10 năm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như về quê, chuyển đổi ngành nghề hoặc gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục tham gia BHXH, dẫn đến tình trạng bán sổ BHXH như những năm qua và việc này cũng hạn chế việc gia tăng tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Dưới góc nhìn của ông Đinh Công Sỹ (ĐBQH tỉnh Sơn La) do mất việc làm, gánh nặng cuộc sống nên cực chẳng đã người lao động mới nộp hồ sơ để nhận BHXH 1 lần. Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời có các chính sách hỗ trợ trong dịch bệnh, góp phần động viên người lao động tiếp tục tham gia BHXH.

Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có các giải pháp đồng bộ khác, không chỉ là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mà phải có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh phục hồi trong và sau dịch bệnh để giữ chân người lao động mới là giải pháp lâu dài và bền vững.

"Có tình trạng người lao động vì lợi ích trước mắt nhận BHXH một lần hoặc lợi dụng chính sách ưu việt của BHXH, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp và thủ tục dễ dàng trong nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thì một bộ phận người lao động, ngay cả lao động có việc làm khá là ổn định, nhảy việc để nhận hưởng các chính sách này. Với các trường hợp này, tôi cho rằng, giải pháp về tăng cường tuyên truyền của ngành bảo hiểm, lao động, doanh nghiệp và chính quyền địa phương vẫn là giải pháp lâu dài và kiên trì thực hiện", ông Sỹ nêu quan điểm.

Liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện, ĐBQH Đoàn Lê An (Cao Bằng) cho rằng, trong những năm gần đây, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng rất cao. Tuy nhiên, để người dân tham gia một cách bền vững thì cần có cơ chế, chính sách thuận lợi và hấp dẫn hơn để khuyến khích người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao biên giới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là người có thu nhập dưới trung bình.

Cụ thể, hiện nay ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với người thuộc các đối tượng khác.

"Với đặc thù của các địa phương miền núi, người lao động có thu nhập thấp, việc làm thường không ổn định. Do vậy, để khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới trung bình tham gia BHXH tự nguyện, đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, 40% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 20% đối với người thuộc các đối tượng khác", Bà Đoàn Lê An kiến nghị.