Theo các quy định hiện hành, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau.

Với vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, quy định hiện hành nêu rõ thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm. Với mức kỷ luật cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm, kỷ luật hành chính là 5 năm. Sự khác biệt này khiến thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì không xử lý được do đã hết thời hiệu theo quy định của luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính”. Đồng thời, việc này cũng không đúng với chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng.

Để khắc phục vướng mắc này, Chính phủ đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời sửa đổi các luật có liên quan theo hướng “Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”.

Trong các phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với đề xuất của của Chính phủ là kéo dài thời hiệu kỷ luật hành chính với cán bộ, công chức để đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) là một trong số đó. “Có những trường hợp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, đặc biệt là cách chức về mặt Đảng nhưng chính quyền thì không cách chức. Ví dụ như Đảng cách chức Phó bí thư nhưng chức Chủ tịch còn y nguyên và vẫn còn chức danh Chủ tịch UBND”, ông Hòa nêu dẫn chứng.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng nhất trí cao với việc xây dựng và thông qua Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời sửa các luật liên quan.

Ông Bình cho rằng bất cập này đã được nhiều đại biểu nhận ra từ khi Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019. Khi đó, ông và một số đại biểu đã nhận thấy quy định trong luật không đồng bộ với kỷ luật Đảng. “Bên Đảng, khi đó đã quy định kỷ luật khiển trách có thời hiệu 5 năm, cảnh cáo thời hiệu 10 năm nhưng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lại quy định khiển trách 2 năm, cảnh cáo 5 năm. Nhiều đại biểu góp ý nhưng lúc đó không tiếp thu để bây giờ phải đi sửa Luật 2019 đúng y điểm này. Đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình sửa luật”, đại biểu Phan Thái Bình lưu ý.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành nội dung quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ với quy định về thời hiệu kỷ luật đảng.

Để kịp thời khắc phục vướng mắc, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) kiến nghị, sau khi thông qua, Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực ngay. Đồng thời, để tránh những vướng mắc tiếp tục phát sinh, các đại biểu cần đặt ra vấn đề “có hồi tố hay không hồi tố?” để xem xét và quy định rõ.

“Quy định 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm có thời hiệu mức khiển trách 5 năm, cảnh cáo 10 năm. Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức quy định thời hiệu cảnh cáo chỉ có 2 năm. Vậy có trường hợp áp dụng Quy định 69 xử lý kỷ luật đảng đến bây giờ 3 năm rồi, có nghĩa là trên 3 năm nhưng dưới 5 năm thì có áp dụng để xử lý không?”, đại biểu Phan Thanh Bình đặt giả thiết có thể sẽ tiếp tục gây vướng mắc trong thực tế.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết nhận thấy vướng mắc phát sinh, Bộ Nội vụ đã khẩn trương báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp 14, Quốc hội khóa XV kịp thời sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bằng một Nghị quyết.

Về vấn đề một số đại biểu đặt ra “có hồi tố hay không hồi tố?”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu quan điểm: Tinh thần Quy định 69 quán triệt rõ, đảng viên mà bị kỷ luật về Đảng thì đồng thời cấp ủy trực tiếp quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo cơ quan quản lý đề nghị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền trong thời hạn 30 ngày. Vì thế, nếu cán bộ, đảng viên, công chức nào mà rơi vào khoảng thời gian còn 30 ngày thì mới có thể hồi tố được, còn lại ngoài thời gian này sẽ không thể thực hiện hồi tố. “Hồi tố sẽ có những vướng mắc, gây khó khăn, phức tạp cho các cơ quan quản lý trực tiếp về cán bộ, công chức, viên chức”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.

Theo chương trình của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV đã được thông qua tại phiên họp trù bị, ngày 09/11/2022, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Sau khi tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết tại ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp.