Hơn 10 năm trước, chị Lê Thị Hóa sinh năm 1991 ở thôn 4 xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình rời quê vào miền nam lập nghiệp. Sau thời gian làm việc tại một số doanh nghiệp, cuối cùng chị vào làm công nhân tại công ty TeaKwang Vina đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bấy nhiêu năm làm việc, tài sản mà Hóa tích góp được là cuốn sổ BHXH. Tháng 5/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty ít việc, đời sống khó khăn, chị đã nghỉ việc rồi về quê sinh sống. Nhưng về quê cũng không có việc làm, vậy là mảnh vườn để không bao năm, chị đã cải tạo lại để trồng rau, nuôi bò nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu. Tháng 6/2021, để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn” lần 2, chị quyết định rút BHXH một lần. Cầm hơn 100 triệu đồng trong tay, chị về nhà sắp xếp lại cuộc sống. Thế nhưng suy đi, tính lại, chị thấy đây là sai lầm của mình vì khi về già sẽ không có lương hưu, sẽ khổ cho chính bản thân và con cái, ngay sau đó vài ngày, chị muốn trả lại số tiền đã nhận, cộng với thêm một khoản lãi suất để được tính lại thời gian đã tham gia BHXH bắt buộc hơn 10 năm trước, nhưng không thể thực hiện được. Qua tư vấn của nhân viên BHXH huyện Bố Trạch, tháng 7/2021, chị Hóa đã tham gia BHXH tự nguyện.

Cũng gần giống trường hợp chị Hóa, chị Hoàng Thị Thịnh sinh năm 1983 ở thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cũng xin rút BHXH một lần. Sau 5 năm làm việc, chị Hóa được hơn 40 triệu đồng. Với số tiền đó, chị sửa sang nhà cửa và kinh doanh tự do. Chị ân hận vì đã rút BHXH một lần vì hiện nay, thu nhập của chị và chồng đều bấp bênh, trong khi đó còn phải mua BHYT để dành lúc ốm đau. Sau một thời gian, chị Thịnh mới hiểu rút BHXH một lần không chỉ đơn giản là mang tiền về, mà còn là từ bỏ lương hưu. Chính vì vậy, tháng 5 vừa qua, khi được tư vấn về BHXH tự nguyện, chị đã tham gia để sau này có lương hưu, tự chủ trong cuộc sống.

Trường hợp chị Hóa, chị Thịnh không phải là cá biệt. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, ước tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần. Con số này tuy giảm 3% so với 4 tháng của năm trước nhưng vẫn là rất lớn. Trong khi đó, đến hết 4.2022, cả nước mới có hơn 16,6 triệu người đang tham gia BHXH, đạt 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong số những người rút BHXH một lần, có không ít người mong muốn được nộp lại số tiền đã nhận để tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hải Nam – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với quy định hiện hành, chúng ta không thực hiện hoàn trả mà chúng ta phải cân nhắc kỹ trước khi hưởng. "Đây là một vấn đề chúng ta phải cân nhắc việc có hay không việc bổ sung này. Trước đây những người hưởng 176 rất thấm thía câu chuyện hưởng 1 lần. Nếu cứ cho hưởng rồi trả thì cũng rất khó" - ông Nam nêu ý kiến.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê năm 2021, tổng số lao động rút BHXH một lần tăng 13% so với năm trước đó bởi ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tỷ lệ này ở nữ giới trên 55%, cao hơn nam giới.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, dẫn khảo sát của công đoàn cùng với tổ chức xã hội cho kết quả rút BHXH một lần thường xảy ra ở nhóm đóng BHXH dưới 10 năm. Có tới 61% công nhân trả lời sẵn sàng rút khoản một lần mà không phân vân; 31% kiên quyết không rút và gần 8% không có ý kiến gì. Gần 57% công nhân ở khu vực phía Bắc có ý định rút BHXH một lần trong khi ở miền Trung và Nam tỷ lệ này hơn 68%. "Ngoài yếu tố văn hóa vùng miền, thói quen tích lũy thì thu nhập thấp, bấp bênh và không có niềm tin vào chính công việc mà mình đang làm là những lý do khiến người lao động dễ rút BHXH một lần", ông Hiểu nói.

Khi chọn rút BHXH một lần, theo ông Hiểu, người lao động cũng đã nâng lên đặt xuống và lựa chọn phương án nào nhiều tiền hơn. Thậm chí các nhà máy chỉ cần trả lương chênh nhau vài trăm nghìn, công nhân sẵn sàng nhảy việc, dù biết thay đổi môi trường lao động, thuê nhà xa hơn. Cơ quan chuyên môn cần hiểu tâm lý này để thiết kế chính sách cho phù hợp, tuyên truyền hiệu quả trước, trong, sau khi luật sửa đổi ban hành và đi vào cuộc sống.

Lãnh đạo công đoàn nhấn mạnh BHXH không thể đứng riêng lẻ mà phải đi kèm chính sách an sinh khác thì mới giữ người lao động ở lại với hệ thống. Giải pháp căn cơ vẫn là tăng thu nhập.

Tình trạng "về một cục" tăng nhanh trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm có thể tạo nên nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp xã hội cho người cao tuổi sau này. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc cho những người đã hưởng BHXH một lần trong khoảng thời gian 1 năm trở lại được trả lại số tiền đã nhận để ở lại hệ thống BHXH, trong đó cũng nghiên cứu số lãi với thời gian tương ứng vào Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Mời quý vị và các bạn nghe phản ánh của phóng viên VOV 2 tại đây: