Tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với thương binh, người có công với cách mạng, thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ.
Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 là dịp đặc biệt để vinh danh, ghi nhận và tri ân hơn 400 gương mặt người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, trong chương trình có sự góp mặt của 13 đại biểu lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 36 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến. Cùng với đó là hơn 200 thương binh, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.
Bà Nguyễn Thị Hồng, vợ Liệt sĩ ở xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc xúc động, phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo và tấm lòng tri ân của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của người có công với cách mạng: “Tôi thấy Nhà nước rất quan tâm tới các gia đình chính sách. Chúng tôi cũng mong rằng Nhà nước nhiều năm nữa tiếp tục quan tâm tới chúng tôi”.
“Tôi thấy rất vinh dự. Đảng và Nhà nước nhìn thấy sự phấn đấu của mình, từ trong chiến đấu tới đời thường. Các đơn vị, các ban ngành địa phương tập trung đưa đi Hội nghị tri ân rất chu đáo. Chúng tôi rất cảm ơn” - ông Nguyễn Hữu Thịnh, Thương binh ở xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội bày tỏ.
Tham dự hội nghị, Thương binh Phạm Minh Hòa ở Quận 5, TP.HCM cùng với các đại biểu được ôn lại quá khứ hào hùng của những năm tháng chiến tranh, tưởng nhớ những con người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng máu xương và cả tuổi thanh xuân của mình vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Phạm Minh Hòa chia sẻ: “Mong muốn xưa nay được ra gặp mặt một lần với anh em đồng đội. Nhiều người ở các tỉnh xa xôi, khắp miền về đây gặp nhau. Có người gặp được đồng đội cũ, người quen cũ”.
Cũng tại buổi gặp mặt, Trung tá Phạm Thanh Tâm, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc công, Bộ tư lệnh Đặc công chia sẻ nhiều câu chuyện về lòng yêu nước, đồng thời tỏ rõ quyết tâm sẽ gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động cống hiến góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
“Chúng tôi vinh dự được gặp các đồng chí lãnh đạo, Chủ tịch nước, Đại tướng Tô Lâm tới nói chuyện, động viên, tri ân người có công. Chúng tôi tự hào và xin hứa với toàn Đảng toàn dân sẽ làm tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với sự chăm lo, quan tâm của Đảng và Nhà nước” - Trung tá Phạm Thanh Tâm cho biết thêm.
Thời gian qua, các chính sách ưu đãi với người có công được thực hiện đồng bộ, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thân nhân và các gia đình cách mạng, ông Phạm Minh Hòa, Thương binh ở Quận 5, TP.HCM mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn nữa đến các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Có thể nói, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo tốt nhất có thể với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đời sống của người có công như ông Hồ Văn Hùng, Thương binh 42% ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh không ngừng được cải thiện về vật chất và tinh thần, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước.
“Chế độ đãi ngộ của Nhà nước với bản thân mình là rất vinh dự, là đủ lắm. Ra Hà Nội dự Hội nghị dịp này cũng buồn vì sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ riêng tôi, mà toàn Đảng toàn dân Việt Nam rất buồn…” – ông Hùng chia sẻ.
Không chỉ ông Hùng, mà rất nhiều đại biểu người có công bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Suốt cuộc đời hoạt động, Tổng Bí thư luôn trân trọng, thấu hiểu sự hy sinh và dành tình cảm quan tâm sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Chế, nguyên Trưởng phà Bến Thủy, tỉnh Nghệ An nghẹn ngào cho biết “Chúng tôi ra đây tưởng được gặp bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng lại không gặp được. Người lãnh đạo chúng tôi rất kính trọng. Vô cùng đau xót, thương tiếc đồng chí vì dân vì nước”.
Độc lập, tự do hôm nay được dựng xây từ những đau thương mất mát, do vậy, tri ân, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sỹ chính là đạo lý, nghĩa cử cũng là trách nhiệm của các thế hệ đi sau, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, và với Đồng chí Tổng Bí thư kính yêu của toàn dân tộc./.