Do áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và nhiều nguyên nhân khác nên số người tâm thần, rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn.... Nếu không được quan tâm để phát hiện, điều trị kịp thời, sẽ là tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Theo TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, sức khoẻ tâm thần là vấn đề mới nổi trong những năm gần đây. Theo nghiên cứu của các nhà tâm thần học thì đa phần nguyên nhân là do di truyền, còn các yếu tố như áp lực công việc, áp lực cuộc sống, học hành, tệ nạn xã hội hay là mối quan hệ trong cuộc sống thì cũng chỉ phần nào khiến cho việc rối nhiễu tâm trí tâm thần nhanh hơn hoặc tăng nặng hơn.

Trên thực tế, nhận thức của cộng đồng, của xã hội về sức khoẻ tâm thần cũng chưa đầy đủ, chưa sâu, thậm chí còn xem nhẹ tình trạng rối nhiễu tâm trí, trầm cảm.

“Chúng ta cần phải có một nhận thức đúng để có những giải pháp chính sách và phương pháp điều trị thích hợp”, TS Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh.

Nước ta đã từng triển khai đề án 1215 về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. TS Nguyễn Hải Hữu cho rằng, đề án này, sau 10 năm triển khai đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, thay đổi nhận thức của người dân và thậm chí là thay đổi nhận thức của cả các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề sức khoẻ tâm thần. Đặc biệt, mô hình chăm sóc người tâm thần ở cộng đồng đã có sự gắn kết giữa cơ sở chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội, giữa cơ quan y tế với các trung tâm công tác xã hội và cộng đồng.

Ngày 25/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1929/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 nhằm huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí. Theo ông Hữu đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng với xã hội giúp cộng đồng nâng cao được nhận thức và có trách nhiệm hơn với những người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Những mục tiêu được đưa ra trong chương trình này cũng đã được thảo luận và cân nhắc rất kỹ nên sẽ mang tính khả thi cao.

Đây cũng là chương trình dành sự quan tâm nhiều hơn đến nhóm tâm thần nặng, là nhóm có những hành vi nguy hiểm đối với xã hội. “Việc quan tâm chăm sóc đối nhóm này, điều quan trọng nhất ở Việt Nam hiện nay, không phải là đưa vào một chỗ và nhốt họ lại mà phải làm sao để họ sống hoà nhập được ở cộng đồng, sống cùng với gia đình, có công ăn việc làm. Nó vừa là vấn đề sinh kế nhưng cũng vừa là để trị liệu tâm lý. Bởi vậy cần có một cơ chế để cho họ có thể tham gia vào các hoạt động xã hội. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành”, TS Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh.

Mời nghe nội dung cuộc trao đổi giữa PV VOV với TS Nguyễn Hải Hữu tại đây