Theo dự kiến của Quốc hội, dự án sửa đổi Luật đất đai sẽ được cho ý kiến lần thứ 2 (vào tháng 10/2022) và sẽ phải được bàn luận, cho ý kiến trong 3 kỳ họp trước khi được thông qua vào giữa năm 2023. Đến đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đồng tình với việc đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đại biểu Thân, việc sửa đổi Luật Đất đai là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, của cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là người dân. Bởi nó liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề như giá đất, bồi thường, tái định cư hay quản lý đất đai như thế nào để không lãng phí… Do vậy cần có sự quyết tâm, giao cho Chính phủ, các bộ ngành để ban hành được dự án luật này.

Ông Nguyễn Văn Thân (ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng thị trường bất động sản giá tăng rất mạnh, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng về bất động sản. Tuy nhiên cơn sốt bất động sản chủ yếu diễn ra ở mảng nhà ở còn bất động sản đầu tư làm du lịch lại có chiều hướng giảm.

“ Lí do vì hiện có rất nhiều dự án tại các địa phương, của doanh nghiệp đã thực hiện xong việc giải tỏa đền bù nhưng lại vướng về luật đất đai hoặc vướng về luật đấu thầu nên không xử lý được. Nếu việc sửa đổi Luật đất đai đến Kỳ họp thứ 4 mới đưa ra cho ý kiến lần 2 thì quá chậm và nguy cơ hàng trăm nghìn tỉ sẽ bị ứ đọng và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.” Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng nếu không sớm đẩy nhanh tiến độ sửa Luật đất đai thì Quốc hội cần có một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và doanh nghiệp.

Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn khi hàng loạt các dự án Luật như Luật Bảo hiểm Y tế, Luật phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân, Luật hiến, cấy ghép mô bộ phận cơ thể người, Luật y dược cổ truyền… vốn đã có kế hoạch trình Quốc hội từ năm 2020 tuy nhiên lại không được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Đặc biệt, Luật Khám chữa bệnh rất cần phải được sửa đổi thậm chí theo ông Nguyễn Anh Trí còn bị đưa ra khỏi chương trình giao lại cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu.

“Hoạt động khám chữa bệnh đã thay đổi rất nhiều. Khám bệnh bây giờ không phải chỉ là nhìn bằng mắt hay sờ bằng tay được mà chủ yếu dựa vào thăm rò chức năng, xét nghiệm, phẫu thuật… thậm chí bác sĩ có thể kê đơn từ xa không cần phải ngồi ngay cạnh bệnh nhân. Do vậy, Luật Khám chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế rất cần sớm sửa đổi.”- Ông Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Anh Trí, ông Lê Xuân Thân (ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, Luật phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm… cần sớm sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh hiện nay cũng như công tác quản lý nhà nước.

Chia sẻ thêm về những bất cập, khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh hiện nay khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ông Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, từ hơn một năm nay bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai hình thức khám chữa bệnh từ xa (telehealth) nhưng rất khó triển khai trên diện rộng khi không có khung pháp lý.

“Ví dụ, cho phép bác sĩ khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc, chịu trách nhiệm về đơn thuốc đấy như thế nào? Hoặc quyền lợi bệnh viện khi triển khai khám chữa bệnh từ xa như thế nào?”- Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng cho rằng, khi đã đưa các chương trình, dự án Luật vào dự kiến chương trình thì không nên rút lại vào phút cuối. Bởi khi tiếp xúc cử tri, đại biểu đã nhấn mạnh với cử trí về kế hoạch xây dựng Luật nhưng khi quay lại thông báo kết quả của kỳ họp đại biểu không biết trả lời thế nào với cử tri.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về tiến độ xây dựng. Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ báo cáo đầy đủ, cụ thể tới Thủ trướng Chính phủ để có những giải pháp mạnh mẽ hơn thúc đẩy tiến bộ xây dựng, sửa đổi Luật để phù hợp với thực tiễn.