Những khó khăn, thách thức của chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thực chất bắt đầu triển khai từ năm 2022 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Kế thừa và phát triển chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 ở một cấp độ, mức độ cao hơn, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu; nâng mức sống trung bình bằng 1,5 lần mức sống tối thiểu. Sửa đổi, bổ sung một số chiều, chỉ số đảm bảo đo lường đầy đủ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của người dân nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và giải quyết các vấn đề, chiều thiếu hụt mới được nhận diện, xác định.

Trao đổi với PV VOV2, ông Phạm Hồng Đào – Phó Chánh văn phòng Giảm nghèo Quốc gia – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 sẽ có cùng một mức thu nhập để xác định tiêu chí thu nhập đối với cả hộ nghèo và hộ cận nghèo (Tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng); bổ sung chiều thiếu hụt về việc làm trong tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Như vậy, chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 phản ánh đầy đủ hơn, thực chất hơn về tình trạng nghèo của người dân.

Dù đã ban hành khá nhiều chính sách nhưng báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy, chương trình vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là: việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình, đặc biệt là giải ngân thấp, dẫn tới chưa đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cao, chưa chủ động dẫn tới sự chậm trễ trong ban hành văn bản, đề xuất và phân bổ vốn thực hiện; cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành còn hạn chế; kết quả giảm nghèo chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới vì các lý do khách quan.

Một trong những vướng mắc mà đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra đó là việc giải ngân vốn nhà nước. Hiện nay, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân học nghề còn gặp khó khăn. Bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đến nay vẫn chưa có quy định, hoặc hướng dẫn trong phân bổ, sử dụng nguồn lực cho công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho chương trình. Ở cấp huyện các Trung tâm giáo dục thường xuyên không được coi là cơ sở đào tạo nghề theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vì vậy việc đào tạo nghề là rất khó khăn. Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện dự án cũng đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị trả lại nguồn kinh phí của dự án này năm 2022 và 2023.

Một khó khăn nữa cũng phải nhắc tới đó là một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững. Lý giải về thực trạng này, ông Phạm Hồng Đào - Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, có thể do công tác tuyên truyền phổ biến về giảm nghèo vẫn còn có chỗ, có nơi chưa phát huy hiệu quả; lãnh đạo, cán bộ còn chưa thực sự quan tâm, hết lòng với công tác giảm nghèo; chính sách hỗ trợ có điều kiện chưa thực sự thúc đẩy người dân có khát vọng vươn lên thoát nghèo.

Các chương trình mục tiêu quốc gia được thiết kế hướng tới các đối tượng thụ hưởng khác nhau và mục tiêu đạt được khác nhau nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tránh trùng chéo tức là một đối tượng tại một thời điểm chỉ được thụ hưởng chính sách trực tiếp của một chương trình (ví dụ: hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì sẽ không được hỗ trợ nhà ở của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 7 dự án được kết cấu thành 2 dự án và 11 tiểu dự án với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biểu và hải đảo, hỗ trợ người dân tham gia các mô hình sinh kế, phát triển sản xuất, học nghề, tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước, hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, nhà ở và tiếp cận thông tin. Qua đó, trực tiếp hỗ trợ giảm bớt các chiều thiếu hụt về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin, góp phần giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025: Chính sách cần được thực thi bài bản

Việc ban hành các chính sách được thực hiện theo trình tự thủ luật định, có báo cáo tổng kết, đánh giá tác động, tính khả thi cũng như nguồn lực thực hiện. Đồng thời, các chính sách cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do vậy, các chính sách thoát nghèo cơ bản đáp ứng các yêu cầu giảm nghèo bền vững. Vấn đề tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo hiệu quả đúng mục tiêu phụ thuộc rất nhiều vào cấp ủy, chính quyền địa phương và chính bản thân đối tượng thụ hưởng chính sách. Khi người dân không có ý thức vươn lên thoát nghèo thì rất khó đạt được mục tiêu giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ này.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, ông Nguyễn Quốc Luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thì kiến nghị, khẩn trương rà soát, sửa đổi các chính sách, văn bản hướng dẫn để dễ hiểu, dễ thực hiện. "Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo hướng chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện hạn...Hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng sổ tay hướng dẫn thực hiện".

Để chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đạt được mục tiêu đã đề ra, ông Trần Quang Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình kiến nghị, cần rà soát lại các tiêu chí của chương trình giảm nghèo bền vững để điều chỉnh phù hợp thực tế và tránh lãng phí, kém hiệu quả. "Đề án 156 đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước đây đã làm và đã có bài học kinh nghiệm, đồng thời sớm thống nhất đối tượng cụ thể được hỗ trợ đào tạo nghề. Việc hỗ trợ đào tạo sinh kế cho người nghèo cũng cần được chú trọng hơn. Vì đây là cách giúp thoát nghèo bền vững, cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết" – Ông Minh kiến nghị.

Hiện nay, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gồm: cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách Trung; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng; cơ chế quản lý, sử dụng tài sản (nếu có) sau khi kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cơ chế ủy thác vốn đầu tư công nguồn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; thay đổi phương thức hỗ trợ người nghèo chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo; tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định.

Có thế thấy việc triển khai chương trinh Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo đã mang lại sự thay đổi và cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Chính vì vậy, mục tiêu của chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được kỳ vọng sẽ phản ánh khách quan thực trạng nghèo của cả nước, khu vực để làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững./.

Mời nghe chương trình tại đây: