Việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho người dân khi khám chữa bệnh. Đến nay, ngành bảo hiểm xã hội đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. Với sáu trường thông tin cơ bản, ngành bảo hiểm xã hội đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối với các bộ ngành. Đây là nền tảng hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội đã và đang thể hiện bằng hai giải thưởng Thực tiễn hiệu quả của ISSA cho Châu Á- Thái Bình Dương năm 2021.

Hiện nay, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong việc tiếp cận và phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…. Toàn ngành bảo hiểm xã hội đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động thường xuyên truy cập khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi ngành bảo hiểm xã hội ứng dụng công nghệ thông tin thì người dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi do thông tin được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Việc chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội đã giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp rất nhiều. Có thể thấy điều đó qua chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh, công ty TNHH Á Châu, khi cơ quan bảo hiểm xã hội ra mắt ứng dụng kê khai bảo hiểm xã hội bằng giao dịch điện tử, chị không cần phải mang hồ sơ giấy tờ đến cơ quan bảo hiểm để khai nộp mà chỉ cần ngồi tại công ty là có thể thực hiện mọi thủ tục về bảo hiểm xã hội cho người lao động của công ty.

Không chỉ thuận tiện cho doanh nghiệp mà chính những người dân là đối tượng được hưởng lợi nhất khi ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Tính đến hết tháng 9, thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 25 nghìn trường hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Chị Nguyễn Thị Thu, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, việc tra cứu thông tin về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của chị giờ đây rất thuận tiện khi có thể biết được mức lương và mức đóng bảo hiểm của mình thông qua mạng internet. Điều đó khiến chị rất hài lòng và yên tâm khi tham gia bảo hiểm xã hội. Việc kết nối cơ sở dữ liệu, tăng thêm tiện ích trong quá trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội đã và đang giúp cho những người lao động như chị biết được mình có được doanh nghiệp đóng đầy đủ tiền bảo hiểm hay không.

Còn đối với bà Trần Thị Hồng Thanh, chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội đã giúp những người về hưu như bà thuận tiện khi tra cứu quá trình đóng bảo hiểm cũng như thuận tiện khi đi khám bệnh vì bây giờ bà đi khám bệnh không cần phải mang theo sổ bảo hiểm. Khi đến khám, bệnh viện chỉ cần quét mã là có thể vào khám được ngay, không cần phải chờ đợi như trước đây.

Hiện nay, bảo hiểm xã hội đã hoàn thành việc cung cấp 100% Dịch vụ Công trực tuyến mức độ 4. Tính đến hết tháng 9 năm 2022, toàn quốc có hơn 11.500 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 90,2% tổng số cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, với hơn 3,1 triệu lượt tra cứu. Đây là động lực để ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Mạnh, trong thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành để tiếp tục xác thực, đồng bộ hóa các dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu công dân. Trên cơ sở đó để bảo hiểm xã hội có thể rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết khi người dân đến tương tác với cơ quan bảo hiểm xã hội, hướng tới việc đồng bộ hóa số thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân để chống được trục lợi bảo hiểm y tế.

Để hoàn thiện “hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của ngành với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể để phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế./.