Người dân được hưởng lợi từ việc triển khai ứng dụng “VssID- BHXH số” và khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip

Đối với người tham gia BHYT, trước đây đi khám chữa bệnh, bắt buộc phải mang theo thẻ BHYT giấy. Từ khi có ứng dụng VssID, người bệnh chỉ cần cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại và mở hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để quét mã tại cơ sở y tế khi đi khám chữa bệnh. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ BHYT như đã xảy ra đối với thẻ BHYT giấy; đồng thời giúp giảm thời gian làm thủ tục KCB của cả người tham gia và cơ sở KCB.

Cùng với sự ra đời của ứng dụng VssID – BHXH số, việc sử dụng CCCD gắn chíp KCB BHYT là một bước tiến lớn trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, Chính phủ số của ngành BHXH. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT. Đặc biệt, việc này tạo sự thuận tiện cho những người bệnh lớn tuổi vì không phải mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân, hạn chế tình trạng bị quên, mất trong quá trình đi khám bệnh. Ngoài ra, còn giúp hạn chế tối đa việc người dân mượn thẻ BHYT của người khác để KCB, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

Theo ông Lê Văn Long, PGĐ BHXH Thành phố HN, tính đến tháng 9/2022, thành phố đã có hơn 4,4 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh BHYT; 503 cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD để tra cứu thông tin phục vụ khám chữa bệnh và 56.710 lượt công dân sử dụng CCCD để làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Có thể thấy, với nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) bảo hiểm đã được số hoá và nền tảng CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của BHXH Thành phố đã góp phần rất hiệu quả trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền và lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi số góp phần sử dụng Quỹ BHYT an toàn, hiệu quả; phòng chống trục lợi

Ông Lê Văn Long cho biết, ngành BHXH đã tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác giám định BHYT, đặc biệt là triển khai Cổng tiếp nhận dữ liệu chi phí KCB BHYT và Hệ thống thông tin giám định BHYT đến các cơ sở KCB trên địa bàn. Cơ sở KCB thực hiện trích chuyển dữ liệu chi phí KCB BHYT của bệnh nhân hàng ngày, sau khi người bệnh kết thúc KCB. Việc triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT tạo ra sự minh bạch trong KCB và quản lý quỹ BHYT.

Việc ứng dụng Hệ thống thông tin Giám định BHYT trong quản lý quỹ và chi phí KCB BHYT luôn được ngành BHXH quan tâm đầu tư, nâng cấp hoàn thiện nhằm kết nối liên thông giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB, tăng cường khả năng giám sát, kiểm soát chi phí KCB BHYT và góp phần nâng cao chất lượng KCB BHYT; đảm bảo công khai minh bạch về quyền lợi, chế độ cho người dân.

Theo ông Long, thông qua hệ thống Giám định đã kịp thời phân tích, phát hiện và thông báo thường xuyên cho cơ sở KCB những biến động bất thường như: các trường hợp chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định, quá mức cần thiết, không đúng quy trình chuyên môn, tần suất chỉ định dịch vụ tăng bất thường; chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng ngoại trú rộng rãi; sử dụng thuốc chưa hợp lý KCB nhiều lần, nhiều nơi trong ngày; thu dung người bệnh có thẻ BHYT giúp BHXH Thành phố kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT, cơ sở KCB cũng chủ động xem xét, điều chỉnh việc thống kê thanh toán và rà soát việc chỉ định sử dụng dịch vụ y tế.

Trong thời gian tới, BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh chuyển đổi số theo đề án 06 của chính phủ, thực hiện tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của ngành BHXH Việt Nam với phương châm xuyên suốt “trách nhiệm, hiệu quả vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp thủ đô”.

Nghe trao đổi của ông Lê Văn Long, PGĐ BHXH TP Hà Nội tại đây: