Có giảm được 10% biên chế trong năm 2021?

[VOV2] - Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ sự lãng phí trong sử dụng con người, cán bộ. Bởi nhiều cơ quan, đơn vị đánh giá chỉ được 50% số cán bộ làm việc hiệu quả.

Làm rõ sự lãng phí trong sử dụng cán bộ

Báo cáo trước Quốc hội trong phiên thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho rằng, tiết kiệm, chống lãng phí là một phạm trù rất lớn, kể cả lãng phí về vật chất và lãng phí phi vật chất.

Về lãng phí vật chất có thể kể đến là sử dụng lãng phí về ngân sách, quỹ ngoài ngân sách, các nguồn lực nhà nước, các vấn đề liên quan đến công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu, lãng phí…

Lãng phí phi vật chất như là bỏ lỡ thời cơ hoặc các cam kết quốc tế hoặc trong sử dụng nguồn nhân lực, trong sử dụng người tài…

Riêng về tinh giản bộ máy, con người, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu con số ấn tượng khi chúng ta đã giảm được 6 đơn vị cấp huyện, 546 đơn vị cấp xã và giảm hàng chục ngàn các đơn vị khác.

“Riêng Bộ Tài chính đã giảm được 2.076 đầu mối, ví dụ như các chi cục thuế được nhập lại, Kho bạc cũng nhập lại. Hai ba huyện nhập lại coi là một. Hải quan các đồn, các chi cục cũng được nhập lại. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã giảm được 18 đơn vị. TP. Cần Thơ đã giảm 32 phòng, Cao Bằng giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ máy đã giảm được 23.896 biên chế.” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn chứng.

Đồng tình với những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng ông Hoàng Văn Cường, ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ.

Mặc dù trong báo cáo đã chỉ ra kết quả của việc cải cách bộ máy, tinh giản được bao nhiêu biên chế, tiết kiệm bao nhiêu, nhưng trong biên chế còn lại đã sử dụng bao nhiêu phần trăm lực lượng cán bộ có hiệu quả?

“Tôi nghe rất nhiều đơn vị, nhiều cơ quan đánh giá chỉ được 50% số cán bộ, nhân viên của các đơn vị đó thực sự làm việc có hiệu quả. Ở đây vấn đề liên quan đến đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, đánh giá cán bộ như thế nào để không xảy ra lãng phí đó?”- ông Cường đặt câu hỏi.

Ông Hoàng Văn Cường cũng nhắc đến sự lãng phí khi cán bộ công chức, viên chức phải theo học những chứng chỉ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bổ nhiệm. Vấn đề này dù trước đó đã được Quốc hội khóa XIV chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Bản thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi đó cũng thừa nhận rằng hiện nay chúng ta đưa ra những quy định trước khi bổ nhiệm phải có một loạt các chứng chỉ để phòng sẵn.

“Chúng ta biết rằng một vị trí quy hoạch tối đa đến 4 người. 1 người lại quy hoạch tối đa 3 vị trí. Như vậy người cán bộ phải luôn luôn đi học các chứng chỉ để sẵn đấy, chuẩn bị sẵn cho mình để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm. Việc này gây ra một sự lãng phí trong việc đào tạo cán bộ. Bản thân Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khi đó cũng nói là sẽ thay đổi việc này. Sau khi vào vị trí đó chúng ta mới cần phải học những thứ đấy để chúng ta có đủ các năng lực, đủ điều kiện, không phải chúng ta chuẩn bị trước.”- ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến lãng phí con người, lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên) kiến nghị nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần phải cân nhắc trong vấn đề đào tạo. Có cần thiết phải có các bằng cấp như vậy không? Ví dụ, việc chuẩn hóa giáo viên mầm non, có nhất thiết tất cả đều phải chuẩn hóa đại học? Trong khi đó, ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa điều kiện giáo viên rất khó khăn, có những giáo viên cùng một lúc đứng lớp 3, 4 nhóm tuổi, làm sao có thể làm được điều đó!

“Tôi nghĩ việc bồi dưỡng nâng cao trình độ là cần thiết, nhưng phải có những quy định phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng miền trong một lộ trình chúng ta thực hiện cho phù hợp.”- ông Thành nêu quan điểm.

Giảm 10% biên chế hưởng lương ngân sách trong năm 2021 liệu có khả thi?

Về kế hoạch, chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, báo cáo của Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả kinh phí nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập...

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng đây là những giải pháp không phải là những mục tiêu cụ thể.

Việc đặt chỉ tiêu năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước liệu có khả thi? Nếu giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách có ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ không? Bởi hiện nay có một số ngành đang rất thiếu biên chế, rất thiếu người làm việc. Tiêu biểu là ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế.

“Tôi cho rằng muốn tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao còn liên quan rất mật thiết đến năng lực cán bộ, như năng lực nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách, năng lực xây dựng phương án đầu tư sao cho hợp lý và hiệu quả, năng lực quản trị tài chính. Cho nên chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cũng là một giải pháp hữu ích cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”- bà Nguyễn Việt Nga phân tích.

Đồng tình với băn khoăn của đại biểu Nguyễn Việt Nga, bà Đào Hồng Vận, ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cụ thể từng lĩnh vực, từng địa phương để chúng ta đề xuất giảm và không nên cào bằng. Bởi theo bà có những lĩnh vực và những địa phương rất khó khăn trong việc giảm 10% biên chế. Ví dụ như đối với lĩnh vực sự nghiệp, giáo dục, y tế... Có những địa phương do vấn đề tăng dân số cơ học, việc giảm 10% biên chế đối với lĩnh vực giáo dục, y tế sẽ rất khó thực hiện.

Họp chưa chắc đóng góp được gì nhưng có thể làm nghèo đất nước

[VOV2] - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn rất yếu so với kết quả đạt được và so với sự mong đợi của nhân dân. Hội họp, lễ lạt vẫn tổ chức tràn lan gây lãng phí lớn.
image-article
Tag: