Nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo năm 2023
Năm 2023, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.
Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoảng 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho hơn 10.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tạo việc làm, có thu nhập, nâng cao đời sống góp phần giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ việc làm bền vững, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối với thị trường lao động đối với trên 30.000 lượt người lao động.
Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 12.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, trong đó xây mới là 9.598 căn, sửa chữa là 3.279 căn.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin. Xây dựng 262 chương trình phong trào, tổ chức 645 hội nghị, đối thoại cho 40.353 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 1.569 băng rôn, pano và hàng trăm bài viết về các mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo ở cộng đồng, các điển hình tấm gương nỗ lực vươn lên thoát nghèo góp phần nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và người dân về công tác giảm nghèo.
Tổ chức 1.412 lớp tập huấn cho 181.875 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 36 đoàn học tập kinh nghiệm; khoảng 48.000 người dân được tập huấn, hướng dẫn, tư vấn tạo sinh kế, hướng nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình và tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, đạt được mục tiêu đề ra.
Nâng cao hiệu quả điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo tại Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo:
Là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia trong quản lý, điều phối, tổ chức thực hiện Chương trình, Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo được Bộ LĐTBXH giao là cơ quan chủ dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; tiểu dự án 2 Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7 Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình) đồng thời trực tiếp triển khai Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Tiểu dự án 2 Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7 Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình tại Bộ LĐTBXH.
Tổng kinh phí được sử dụng trong năm 2023 gần 107,766 tỷ đồng, trong đó: kinh phí năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 28, 016 tỷ đồng; kinh phí được phân bổ năm 2023 là 87,5 tỷ đồng.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023 thêm 09 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm 2023, theo Báo cáo tổng kết công tác của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi,vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp. Chính phủ đã phối hợp với Trung ương Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mục tiêu giảm nghèo năm 2024:
* Tỷ lệ nghèo đa chiều cả nưics bình quân duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 1%/năm.
* Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
* Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm