Đây là nội dung trong báo cáo về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại hội nghị giao ban báo chí (1/7).

Bộ GD-ĐT cho biết, đã triển khai xây dựng cấu trúc định dạng đề thi và công bố từ cuối năm 2023. Cấu trúc định dạng đề thi này giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh; tránh học tủ, học lệch; độ phân hoá phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong GDPT 2018.

Việc công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề thi tham khảo từ sớm giúp cho nhà trường và học sinh chủ động trong việc dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ và chuẩn bị tốt hệ thống hóa kiến thức cho Kỳ thi cuối cấp.

Bộ GD-ĐT đã xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, tại cả những tỉnh khó khăn nhất. Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hoá và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29: “đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Đề thi đã gia tăng các các câu hỏi có tính phân hóa. Những năm trước đây, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.

Nội dung đề thi thuộc Chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình. Tỉ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu: bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.

"Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi Toán và môn thi Tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được", báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ.

Bộ GD-ĐT khẳng định, để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29, Kết luận số 91 của Trung ương và các thách thức đề ra đối với công tác đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh.

Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay.

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025.

Thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Đây là một trong những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ngoài việc bảo đảm công bằng trong công tác tuyển sinh, đối với việc dạy và học ở địa phương, điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương.

Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục, tăng cường chỉ đạo đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá quá trình học của học sinh bao gồm cả kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hướng tích hợp liên môn và gắn với thực tế, giúp học sinh tiếp tục làm quen với việc đánh giá theo định hướng năng lực.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 1.165.289 thí sinh đăng ký dự thi (nhiều hơn năm 2024 là gần 100 nghìn thí sinh). Trong đó: số thí sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2018 là 1.138.579 thí sinh; số thí sinh dự thi theo Chương trình GDPT 2006 là 26.710 thí sinh. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99,3% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Tổng số điểm thi: 2.494; tổng số phòng thi: 49.849.

Có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không ghi nhận cán bộ nào vi phạm Quy chế thi.