Mời các bạn nghe âm thanh tại đây:

Chỉ trong vòng 5 năm, bà Đỗ Thị Mỹ 73 tuổi ở phường Phú Thượng, thành phố Hà Nội bị đột quỵ đến 2 lần nên thường xuyên phải vào bệnh viện Việt Nam Cu Ba để thăm khám. Bà được BHYT chi trả 100% nên đã giảm gánh nặng về tài chính. Với người già lại mắc bệnh nặng như bà Mỹ, việc quên thẻ BHYT hoặc các giấy tờ tùy thân mỗi lần đi viện không phải là hiếm. Gần 1 năm nay, thẻ BHYT của bà đã được cập nhật dữ liệu liên thông với căn cước công dân có gắn chip nên mỗi lần thăm khám tại bệnh viện, bà Mỹ không còn phải mang theo nhiều giấy tờ, rất thuận tiện, thủ tục lại rất nhanh gọn và chính xác. "Từ khi dùng CCCD gắn chíp tôi thấy rất thuận lợi, mình chỉ việc đưa thẻ, nhân viên của bệnh viện sẽ quét mã QR là hiển thị đầy đủ thông tin cá nhân cũng như lịch sử KCB", bà Mỹ chia sẻ.

Cũng đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đàm Văn Lương 75 tuổi ở phường Ô Chợ Dừa, thành phố Hà Nội thường xuyên phải tới bệnh viện do mắc các bệnh tuổi già. Cứ nửa tháng, ông Lương phải đến bệnh viện 1 lần. "Tôi chỉ cần mang theo CCCD gắn chíp là có thể đăng ký KCB nhanh chóng. Tôi thấy rất thuận lợi khi đăng ký KCB theo hình thức này bởi CCCD nhỏ gọn, dễ bảo quản mà không lo bị rách hay thất lạc như thẻ BHYT giấy. Bản thân tôi rất vui và hài lòng khi sử dụng CCCD gắn chíp để KCB", ông Lương bày tỏ.

Không chỉ tạo thuận lợi khi thẻ BHYT tích hợp vào CCCD, người dân còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng điện thoại khi cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cũng đã 2 năm nay, mỗi lần đến viện, anh Trần Quốc Toàn ở Hà Nội cũng đã sử dụng app VssID thay cho các giấy tờ khác: "Khi người dân đi khám, chữa bệnh BHYT, chỉ cần đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản cá nhân, cơ sở y tế sử dụng đầu đọc thẻ để quét mã QR – Code, giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi mệt mỏi".

Việc sử dụng CCCD gắn chíp, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng BHXH số VssID và ứng dụng định danh điện tử VNeID có thể coi là bước đột phá trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH nhằm mang đến cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất. Với những ứng dụng, tiện ích này, cán bộ y tế chỉ cần một thao tác quét mã là có thể làm thủ tục KCB BHYT cho người dân, không mất thời gian kê khai nhiều như trước, giúp tiết kiệm công sức, hạn chế việc phải đem theo nhiều loại giấy tờ khi đi KCB, giảm tình trạng bị mất, hỏng thẻ BHYT khi sử dụng.

Theo công văn 168, kể từ ngày 01/6/2025, BHXH Việt Nam yêu cầu các cơ quan BHXH ngừng cấp thẻ BHYT bản giấy cho người tham gia. Thay vào đó, người dân sẽ sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID hoặc VNeID khi đi khám, chữa bệnh… điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Tuy nhiên, trong trường hợp người dân không thể cài đặt ứng dụng VssID, VNeID và không có CCCD gắn chip thì sẽ được cấp BHYT giấy. Đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, cán bộ ngành BHXH sẽ trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt ứng dụng BHXH số VssID, ứng dụng định danh điện tử VNeID và hướng dẫn sử dụng CCCD gắn chip để KCB thay cho thẻ BHYT giấy.

Ông Nguyễn Thành Đạt - Ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, để giảm phiền hà cho người dân, sắp tới, cơ quan BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh nhằm xác minh thông tin, thực hiện thanh toán BHYT và đối chiếu dữ liệu bệnh nhân nhanh chóng, chính xác, hạn chế tình trạng trùng lặp, sai sót hay yêu cầu người dân xác nhận thủ công. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng quy trình liên thông xử lý liên ngành, từng bước hình thành hệ sinh thái số phục vụ người dân tham gia BHYT một cách đầy đủ và thuận tiện./.

Tính đến hết tháng 3/2025, cả nước có 95,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2% dân số. Ước tính đến hết tháng 5/2025, BHXH đã chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho gần 80 triệu lượt người. 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên cả nước đã triển khai việc khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân). Hiện có hơn 214 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.