Để thông tin minh bạch, kịp thời và toàn diện về tiến trình triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương, phối hợp với Cục Điện lực, Nhóm các đối tác quốc tế và UNDP hoàn thành việc xây dựng trang thông tin của Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng Việt Nam tại địa chỉ website: https://jetp.moit.gov.vn/

Trang thông tin là cầu nối giữa Ban Thư ký với Nhóm các đối tác quốc tế, Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và các bên liên quan, đặc biệt là kết nối với các đơn vị đề xuất và phát triển dự án, để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.

Đây cũng là nơi cập nhật thông tin về các chiến lược, kế hoạch hành động, báo cáo tiến độ, cơ hội hợp tác cũng như các hoạt động đối thoại chính sách, sự kiện và sáng kiến liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, góp phần tăng cường sự hiểu biết, kết nối và đồng hành giữa các bên liên quan – từ cơ quan nhà nước, đối tác phát triển, khu vực tư nhân cho đến cộng đồng và người dân.

Trong thời gian tới, trang thông tin Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cấp, phát triển thêm những tính năng mới để tối ưu trải nghiệm người dùng, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông và cung cấp kịp thời các nội dung, kết quả trong tiến trình triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.

Trước đó, tháng 12 năm 2022, tại Brussel, Vương quốc Bỉ, Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng. Đây là quan hệ đối tác lâu dài, tham vọng để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi các-bon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi các-bon hóa hệ thống điện, đồng thời tạo các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam phát triển hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0”.

Ngày 01/12/2023, tại COP28, Việt Nam cùng Nhóm các đối tác quốc tế chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây là dấu mốc mới trong nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch và bền vững.

Ban Thư ký thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng được Thủ tướng Chính phủ thành lập có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo COP26 trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết các công việc triển khai thực hiện Tuyên bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.

Thông qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.

Gói tài chính Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng bao gồm: hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân…); các khoản tín dụng các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ; các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Mức cam kết ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3 – 5 năm tới bên cạnh các nguồn hỗ trợ tài chính hiện tại.

Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng là quan hệ đối tác giữa các quốc gia phát triển để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mực tiêu phát thải ròng bằng ) vào năm 2050.

Tháng 12/2022, Việt Nam là quốc gia thứ ba trên thế giới thông qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với nhóm đối tác quốc tế gồm các nước G7,EU, Đan Mạch và Na Uy.