Có một cửa hàng bánh bao đặc biệt, dù nhỏ bé nhưng đã giúp cho những trái tim khuyết tật tìm thấy điểm tựa, vươn lên trong cuộc sống, đó là cửa hàng bánh bao Nghệ nhân Meko ở số 190 Đại Từ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Luôn tin tưởng bất cứ điều gì một người khỏe mạnh bình thường làm được, thì người khuyết tật cũng có thể làm, miễn là trao cho họ cơ hội, một môi trường bình đẳng và tôn trọng, anh Phạm Xuân Tùng đã sáng lập chuỗi cửa hàng bánh bao Nghệ nhân Meko để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc và hòa nhập với xã hội.
Anh Tùng cho biết, từ khi còn là sinh viên anh đã tham gia nhiều chương trình thiện nguyện. “Tôi luôn đau đáu nỗi niềm với ý tưởng mở tiệm bánh bao, tạo công việc phù hợp cho các bạn khuyết tật, rồi phát triển dần dần lên”, anh Tùng chia sẻ.
Khi đặt người khuyết tật vào đúng vị trí sẽ giúp họ phát huy tốt nhất thế mạnh của bản thân. 6 năm qua, tiệm Bánh bao Nghệ nhân Meko đã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều người khuyết tật học nghề, có nguồn thu nhập ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Nửa năm làm quen với nghề, Nguyễn Bích Lan giờ đây thuần thục với các công việc làm nhân, nhào nặn, ra khuôn bánh bao…Vừa thoăn thoắt với các động tác làm bánh, Lan vừa chia sẻ: “Công việc của em hàng ngày là nặn nhân, nặn bánh bao, gói bánh xong sang công đoạn lăn bánh. Công việc này mang lại cho em nhiều điều, em được học nghề và biết nhiều hơn”.
Từng lăn lộn với nhiều công việc, chỉ tới khi được học nghề làm bánh bao, Lan mới cảm thấy công việc này phù hợp với sức khỏe của bản thân. Từ đó, Lan có nguồn thu nhập ổn định để tự lo cho chính mình và phụ giúp gia đình.
Lan cho biết, Xưởng ở ngay gần nhà nên rất tiện. Ở đây mọi người tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ em. “Em muốn gửi lời cảm ơn anh Tùng đã giúp em có một công việc rất ổn”, Lan bày tỏ.
Bàn Văn Linh, một người khuyết tật vận động, quê ở Lào Cai đã có 2 năm gắn bó với xưởng bánh bao. Linh phụ trách công đoạn gần như cuối cùng là ủ bánh, hấp bánh. Người bình thường để làm chiếc bánh theo đúng quy trình vốn dĩ đã khó, người khuyết tật như Linh còn khó hơn nhiều lần. Nhưng với nỗ lực làm việc và học hỏi, chẳng biết từ khi nào, chàng trai trẻ đã đam mê với công việc này.
Tại tiệm bánh bao, có bạn bị khuyết tật chân, khuyết tật lưng, có bạn bị câm điếc, khiếm thính, tự kỷ… Họ thường giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu hoặc tin nhắn điện thoại.
Nhìn những chiếc bánh bao tròn trịa, trắng muốt, không ai nghĩ đây là sản phẩm được làm từ bàn tay của những người thợ khuyết tật. Điều họ cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện nhất là khi khách hàng nhận được bánh và cảm thấy hài lòng.
Những người khách như anh Lê Tuấn Anh đến cửa hàng không chỉ được thưởng thức bánh bao thơm ngon, mà hơn hết, đó là sự yêu quý, khâm phục anh dành cho các bạn nhân viên ở đây: “Mình học được cách nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của các bạn khuyết tật. Từ đó mình trở nên bao dung, thấu hiểu hơn”.
Không chỉ làm tốt công việc của mình, các bạn khuyết tật còn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong các công đoạn làm bánh. Mọi người xem nhau như người một nhà trong gia đình. Có lẽ vì thế mà không khí nơi đây lúc nào cũng đầy ắp niềm vui.
Phần lớn các bạn khuyết tật ở tỉnh xa, nên ngoài việc dạy nghề, tạo việc làm, anh Phạm Xuân Tùng còn hỗ trợ luôn chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt ngay tại xưởng để các bạn yên tâm làm việc. “Với những bạn nhân viên, yêu thích nghề, biết nghề, thạo việc lại dạy nghề cho các bạn mới vào. Giai đoạn này đỡ vất vả hơn giai đoạn đầu”- anh Tùng chia sẻ.
Những người thợ khuyết tật đã trở thành linh hồn của tiệm bánh bao. Họ không chỉ được bộc lộ tài năng của bản thân, mà còn tạo ra những thành quả lao động chất lượng, mang đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Đồng hành cùng anh Phạm Xuân Tùng trong hỗ trợ người khuyết tật có việc làm, ổn định cuộc sống luôn có sự ủng hộ của gia đình, người thân như bà Trịnh Thị Phương, mẹ anh Tùng: "Ở đây chúng tôi tạo điều kiện cho các em đầy đủ, đào tạo, dạy nghề giúp các em hoàn thiện về công việc, kỹ năng, tất cả mọi thứ".
Anh Tùng mong muốn khi mô hình này được nhân rộng sẽ giúp nhiều người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn nữa: “Mình rất tâm đắc với dự án này, muốn nhân rộng hệ thống này để tạo thêm việc làm cho các bạn khác, cũng muốn truyền cảm hứng cho một số doanh nghiệp có thể xem xét những vị trí đơn giản như bảo vệ, ship hàng, đóng gói...tạo việc làm giúp các bạn khuyết tật ổn định cuộc sống”.
Cửa hàng bánh bao của anh Phạm Xuân Tùng đã tạo cơ hội việc làm bền vững cho người khuyết tật, giúp họ sống có ý nghĩa và tự viết nên câu chuyện đẹp đẽ của đời mình.