Chiến tranh đã lùi xa nhưng hầu hết những người lính cựu chưa khi nào thôi nhớ về những đồng đội đã ngã xuống. Như một cách để tri ân, những cựu chiến binh từng chiến đấu ở Sư đoàn 5, quân đội Nhân dân Việt Nam thành tập ban liên lạc, thông qua đó, tìm kiếm và đưa hàng chục liệt sỹ về an táng tại quê nhà. Tìm hiểu về hoạt động này, phóng viên VOV2 phỏng vấn cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Trưởng Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu cựu chiến binh sư đoàn 5.

Phóng viên: Thưa đại tá Nguyễn Thanh Truyền! Xin ông cho biết hoạt động tìm kiếm liệt sỹ của Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu CCB sư đoàn 5 được triển khai từ khi nào?

Đại tá Nguyễn Thanh Truyền: Việc đi tìm liệt sỹ nằm trong kế hoạch của anh em chúng tôi ngay từ khi thành lập Hội. Trong chiến đấu, sự vất vả và sẻ chia của đồng chí, đồng đội với nhau, rồi sự mất mát rất nặng nghĩa nặng tình với anh em chúng tôi. Chúng tôi nghĩ mình còn sống được về với gia đình, được hưởng hòa bình, cái đó tạo cho mình suy nghĩ có được ngày như thế này là nhờ những đồng đội nằm xuống vĩnh viễn, mình thương đồng đội. Điều đó thúc giục mình cố gắng làm điều gì đó vì đồng đội. Chúng tôi tập hợp nhau lại, trước hết là ôn lại truyền thống, kỷ niệm trong chiến trường nhưng khi thành Hội rồi thì mới thấy vắng nhiều đồng đội quá. Từ đó, chúng tôi cố gắng thực hiện việc tìm kiếm đồng đội đã hy sinh.

Phóng viên: Với mạng lưới lên đến hơn 2 nghìn hội viên, Ban liên lạc gặp thuận lợi gì khi triển khai hoạt động này?

Đại tá Nguyễn Thanh Truyền: Hội Bạn chiến đấu, cựu chiến binh sư đoàn 5 của chúng tôi đông lắm, có “chân rết” ở 24 tỉnh/thành phố. Anh em nào có thông tin về đồng đội thì báo lại cho Hội, chúng tôi căn cứ vào đó để đi tìm. Chúng tôi thường liên lạc với cơ sở hội ở các tỉnh phía nam để thực hiệ việc này. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ sở phía Bắc và phía Nam cũng giúp cho hoạt động tìm kiếm liệt sỹ thuận lợi hơn. Chúng tôi còn phát động anh em, kêu gọi ai từng trực tiếp chôn cất đồng đội trong chiến tranh ở khu vực nào đó thì nhớ lại và thông tin lại cho Ban liên lạc biết. Khi thân nhân có gửi yêu cầu, thông tin cần tìm kiếm liệt sỹ thì chúng tôi đối chiếu và kết nối để cùng nhau đi tìm.

Phóng viên: Nhưng chiến tranh kết thúc đến nay đã hàng chục năm, hẳn là việc tìm kiếm và đưa được hàng chục đồng đội hy sinh trở về đất mẹ không đơn giản?

Đại tá Nguyễn Thanh Truyền: Sư đoàn 5 chiến đấu ở nhiều chiến trường, trải dài nhiều năm, đồng đội ngã xuống rất nhiều. Người lính hy sinh cũng muôn hình muôn vẻ. Có người đang trên đường hành quân thì bị sốt rét rồi hy sinh trong rừng sâu, có người bị địch phục kích khi đang hành quân, có trường hợp hy sinh khi đang chiến đấu… Việc tìm kiếm liệt sỹ vì thế gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên: Thưa ông! Trong nhiều năm thực thiện công tác tìm kiếm liệt sỹ với những khó khăn như ông vừa chia sẻ có kỷ niệm nào khiến ông khó quên?

Đại tá Nguyễn Thanh Truyền: Tôi từng trực tiếp đi tìm 6 liệt sỹ hy sinh ở Huế. Tôi chỉ có thông tin là những liệt sỹ này hy sinh ở chiến trường thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế vào một thời điểm. Vì giấy báo tử của gia đình thì cũng không ghi rõ nơi nào, chỉ nói là hy sinh ở chiến trường Binh Trị Thiên. Khi tiến hành đi tìm thì tôi phải tìm xem ai là đồng đội của họ. Khi tìm được thì những cựu chiến binh này mới phát hiện ra trận đó là vào ngày này, ở địa điểm đó. Khi có thông tin về nơi diễn ra trận đánh và thời điểm diễn ra trận chiến đó thì anh em lên đường trở lại chiến trường xưa và tìm. Rất may, khi chúng tôi trở lại thì gặp được một bí thư xã từng tham gia du kích ở khu vực đó. Ông biết trận đánh đó và biết rõ những đồng chí từng hy sinh trong trận đánh ấy. Chúng tôi tìm được đúng nơi chôn cất và đưa được cả 6 liệt sỹ về an táng tại quê nhà.

Một trường hợp khác là một đồng đội hy sinh ở chiến trường Campuchia. Để sang được bên đó, chúng tôi phải xin đi cùng một đơn vị chuyên tìm kiếm liệt sỹ của Quân khu 9. Công cuộc tìm kiếm cũng vất vả vì phải 4 lần tổ chức sang bên đó tìm mới thấy. Khi tìm được và đưa hài cốt đồng đội lên thì gia đình và anh em đồng đội chúng tôi vỡ òa sung sướng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!