Cần giám sát gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Dự kiến, năm 2022, Chương trình giám sát của Quốc hội sẽ tập trung vào 4 chuyên đề chính. Thứ nhất, là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Thứ hai là giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Thứ ba, giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 và thứ 4 là giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.
Cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các đoàn giám sát của Quốc hội. Do vậy, ông kiến nghị, các đoàn giám sát của Quốc hội phải có kịch bản để ứng phó, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp do vậy vấn đề an sinh xã hội đang được Đảng, nhà nước, Chính phủ rất quan tâm.
Trước ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ 62.000 tỷ (năm 2020) và 26.000 nghìn tỷ (năm 2021) hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ được triển khai đúng đối tượng, minh bạch thì Quốc hội cần thực hiện hoạt động giám sát.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đặc biệt quan tâm đến chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa chuyên đề này vào dự kiến chương trình giám sát năm 2022 là rất cần thiết.
Ông cho rằng, hoạt động giám sát trong thời gian tới cần tập trung giải quyết các vấn đề, vụ việc, vụ án bức xúc, kéo dài, những vấn đề cử tri nhiều địa phương quan tâm, được các đại biểu Quốc hội kiến nghị tại nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, không thỏa đáng.
“Ví dụ có vụ án ở Quảng Trị xảy ra cách đây 10 năm với nhiều vi phạm của cơ quan tố tụng, có dấu hiệu oan sai dư luận xã hội rất bức xúc. Đoàn đại biểu Quốc hội của nhiều tỉnh cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã có báo cáo giám sát, kiến nghị nhiều lần, nhiều năm, nhiều kỳ họp nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Trước kỳ họp lần này, đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã có báo cáo kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Ủy ban tư pháp cho giám sát kết luận thỏa đáng nếu không sẽ tạo ra bức xúc, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cử tri và nhân dân tới hoạt động của Quốc hội.” – Ông Hoàng Đức Thắng cho biết.
Tài sản trong các Doanh nghiệp nhà nước đang được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn
Thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Lê Thanh Vân (ĐBQH Cà Mau) kiến nghị rút hai chuyên đề được Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất và bổ sung 2 chuyên đề mà nhân dân đang rất bức xúc, quan tâm. Thứ nhất là chuyên đề giám sát thực hiện chính sách pháp luật bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ và thực hiện chính sách pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải thực hiện chuyên đề giám sát thực hiện chính sách pháp luật bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ, ông Lê Thanh Vân nhắc tới vụ việc gây bức xúc trong dư luận những ngày gần đây. Đó là việc một vị Phó chủ tịch UBND phường ở TP. Nha Trang (Khánh Hòa) có nhận thức ấu trĩ về chống dịch.
Cán bộ này được luân chuyển từ một phòng chuyên môn ở thành phố xuống UBND phường. Dư luận đặt ra câu hỏi, cán bộ như vậy mà làm vị trí trụ cột ở phường – mắt xích cuối cùng của nhà nước với nhân dân thì uy tín của Đảng, của Nhà nước như thế nào?
“Ngay tại Quốc hội, Hội đồng bầu cử đã phải loại ra một đại biểu không đủ tư cách mà lý do là có những vi phạm pháp luật nhiều năm. Điều đó cho thấy, việc triển khai các quy định về tổ chức nhân sự bởi các văn bản pháp luật có lúc tùy tiện, không nhất quán, không chọn đúng người. Nếu chúng ta giám sát chuyên đề này có kết quả thì sẽ là một động lực mạnh mẽ cho Quốc hội và Chính phủ xốc lại đội hình, nâng cao chất lượng bộ máy thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chiến lược 5 năm.”- Ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng, việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài sản ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là rất cần thiết.
“Tài sản công trong các đơn vị này đang được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn. Thông qua đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng biến từ công sang tư. Nhưng chúng ta chưa có đợt giám sát mạnh bằng quyền giám sát tối cao của Quốc hội để vừa một mặt chỉnh đốn lại hệ thống pháp luật một mặt chỉnh đốn lại công tác quản lý, sử dụng tài sản.” - Đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Trọng Kim (ĐBQH tỉnh Nam Định), việc thực hiện các chương trình giám sát của Quốc hội là việc đặc biệt quan trọng nhưng vấn đề hậu giám sát vẫn chưa được quan tâm. Do vậy, khi xây dựng chương trình giám sát, Quốc hội cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
“Nếu không làm tốt công tác hậu giám sát sẽ giống như lưỡi dao chém xuống nước sau đó lưỡi dao rút lên rồi thì mặt nước lại như cũ.” – Ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.