Lãng phí trong nhiều ngành, lĩnh vực

Các đại biểu đã đưa ra rất nhiều nhóm vấn đề về tiết kiệm, chống lãng phí như lãng phí trong sử dụng đất công, tài sản công, lãng phí trong các dự án trọng điểm….

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi: Tại sao ở khu vực công, tình trạng thất thoát, lãng phí lại nhiều và trầm trọng hơn khu vực tư? Từ việc nợ đọng, thất thu thuế cho đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ?

Bà Nga đã chỉ ra nguyên nhân, do ý thức còn hạn chế trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, do cá nhân ích kỷ, chỉ chú trọng đến lợi ích bản thân, không vì tập thể.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng – Đoàn Kiên Giang cũng cho rằng: Ích kỷ là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do những chính sách liên quan đến tài sản công còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đoàn Vĩnh Phúc cũng cho rằng: việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính sau sáp nhập còn bất cập. Có những địa phương trụ sở làm việc bị phân tán do duy trì hai đến ba nơi làm việc như trước sắp xếp. Trụ sở làm việc chật chội, không đáp ứng yêu cầu do số lượng cán bộ, công chức mới tăng lên, trong khi đó nhiều trụ sở bị sáp nhập lại bỏ không. Việc thanh lý, bán đấu giá tài sản công, dôi dư sau sắp xếp còn gặp khó khăn do nằm ở khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển.

Bên cạnh đó, cũng còn tình trạng một số trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương đóng ở các tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, không đủ diện tích ảnh hưởng đến chất lượng công việc của cán bộ, công chức, cơ quan phải đi thuê trong khi có trụ sở bị bỏ hoang. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, có giá trị lớn ở các trung tâm đô thị bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.

Đầu tư cho khoa học công nghệ đã hợp lý?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình trong buổi thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hôm nay (31/10). Theo Bộ trưởng, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ, trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho khoa học công nghệ vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước.

Mặc dù mang tính đặc thù, nhưng thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hình thành hệ thống các chỉ tiêu thống kê để phản ánh tình hình, kết quả hoạt động khoa học công nghệ của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ từng thời kỳ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, tổ chức đánh giá, thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, qua đó đánh giá tác động giữa các hoạt động khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế xã hội từng vùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đầu tư công như “con gà và quả trứng”

Tại buổi giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%, bội chi ngân sách 3,37%... Đặc biệt bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ (các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển.

Bộ trưởng cũng bày tỏ: Luật Đầu tư công giống như quả trứng và con gà. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm. Luật quy định: Đầu tư công phải được phê duyệt trước ngày 30/10 hàng năm mới được bố trí vốn đầu tư công. Nhưng Luật cũng lại quy định: Phải bố trí vốn mới lập được dự án và thiết kế. “Chưa có vốn thì không lập được dự án, trong khi đó dự án lại đòi hỏi vốn, khi được lấy vốn rồi lại lập dự án mất 1 năm, đền bù giải phóng mặt bằng mất 1 năm nữa, có khi mất 2 năm chưa giải ngân được” – Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thu hồi đất cũng được Bộ trưởng nêu ra. Bởi sau khi có quyết định thu hồi, cơ chế để đền bù, bồi thường cho nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như nào vẫn nằm trên giấy, không triển khai được trên thực tế…. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu thực trạng, nguyên nhân khiến các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) cũng chậm tiến độ.