Một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm đó là chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Trong cuộc trả lời PV VOV2, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực chăm lo đảm bảo tất cả mọi người dân đều được vui Xuân đón Tết đầm ấm.

PV: Thưa ông, chúng ta đã có những ngày Xuân Quý Mão có thể nói là vô cùng ấm áp và người dân cũng cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, theo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Vậy với suy nghĩ của ông, ông đánh giá thế nào về công tác chăm lo Tết cho người dân, nhất là các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp tết cổ truyền vừa qua?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Điều ấn tượng nhất trong mùa Xuân Quý Mão 2023 đang đi qua thì tôi thấy có mấy mục tiêu mà chúng ta đều đạt được. Tức là an ninh, an sinh xã hội được đảm bảo, Tết an lành, vui tươi đối với tất cả người dân, đặc biệt là đối với những người nghèo, gia đình chính sách, người có công và những người có hoàn cảnh khó khăn, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Công tác chăm lo đối với các gia đình chính sách, người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi đến rất nhiều địa phương để kiểm tra, đôn đốc và cũng là thăm, tặng quà đối với các gia đình chính sách, đối với người nghèo. Qua đây cũng là dịp để đôn đốc và thúc đẩy việc vận động nguồn lực chăm lo cho các gia đình chính sách và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí của cả nước thì rất là lớn, đặc biệt tất các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn đều có một phần quà. Trong đó, có nguồn vận động của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khoảng 3.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 30% tổng kinh phí chăm lo cho gia đình chính sách, những người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Quý Mão 2023. Công tác chăm lo được triển khai nhanh, triển khai đúng đối tượng và đảm bảo kịp thời. Đây là những điều mà tôi cho rằng rất ấn tượng trong mùa Xuân Quý Mão 2023.

PV: Ngoài những đối tượng đang nhân trợ cấp thường xuyên thì việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho những đối tượng yếu thế khác cần nguồn lực rất lớn. Việc này, cần sự chung tay, góp sức và xã hội hóa của cộng đồng như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Đối tượng hiện nay có hoàn cảnh khó khăn mà đang được hưởng trợ, cấp bảo trợ xã hội khoảng 3 triệu 500 nghìn đối tượng và tổng kinh phí hàng năm ngân sách nhà nước chi trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng thì cũng rất lớn, ước tính khoảng trên 20 nghìn tỷ. Ngoài phần trợ cấp hằng tháng thì cũng có sự hỗ trợ, mua thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hỗ trợ cho các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng hộ nghèo. Ngoài ra, còn có các nguồn vận động khác để hỗ trợ cho các đối tượng.

Sự chăm lo của Nhà nước là mới bảo đảm được phần cơ bản, còn ngoài ra chúng ta sẽ tiếp tục vận động doanh nghiệp, vận động các tổ chức, cá nhân để chăm lo về giáo dục, y tế, việc làm, về học nghề và tất cả các lĩnh vực khác trong bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân. Chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường vận động xã hội hóa nguồn lực để chăm lo tốt hơn đối với tất cả người dân. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm của các tổ chức, các cá nhân để chia sẻ, động viên, khích lệ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.

PV: Thưa ông, trong những ngày qua nhiều địa phương gặp khó khăn về nguồn lực đã đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp gạo cứu đói Tết Nguyên đán và giáp hạt 2023. Vậy đến thời điểm này, gạo đã được hỗ trợ như thế nào để đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Mùa xuân năm 2023 Chính phủ đã hỗ trợ, xuất cấp cho các địa phương mà có khó khăn về ngân sách khoảng 18 nghìn tấn gạo, trong đó là xuất cấp trên 15.000 tấn để hỗ trợ dịp Tết đối với những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn. Công tác hỗ trợ của chúng ta được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định 20 về đối tượng, về quy trình, về thủ tục và tổ chức triển khai. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính với những tỉnh, thành phố thì đã hỗ trợ kịp thời, đúng và đủ. Năm nay, chúng tôi thấy dư luận xã hội đánh giá rất cao về công tác cứu trợ gạo của chúng ta đã đầy đủ, kịp thời và đúng đối tượng. Chúng tôi cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện thấy đâu đó mà phát gạo có vấn đề để, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng rất mừng trong mấy năm gần đây thì công tác cứu trợ của chúng ta càng ngày càng tốt hơn, công khai minh bạch, thì chúng tôi chưa phát hiện thấy có chuyện lợi dụng chính sách ở đây. Nếu phát hiện thấy những vụ việc nào mà không đúng đối tượng, chúng tôi sẽ có phối hợp với các địa phương để xử lý kịp thời.

PV: Trong năm nay, để đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác bảo trợ xã hội, đảm bảo người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Năm 2023 chúng ta vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế và đối với giải quyết những vấn đề xã hội, thì chúng tôi thấy trách nhiệm trước hết là phải bám sát, nắm chắc về tình hình đời sống của người dân, đặc biệt là những người dân vùng thiên tai, lũ lụt. Thứ hai là nhóm người nghèo, người cận nghèo. Và thứ ba nữa là những người khó khăn đột xuất. Chúng tôi thấy cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để hỗ trợ tốt hơn, kịp thời hơn đối với tất cả người dân, đặc biệt là người gặp khó khăn đột xuất và chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, gắn bó để hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, để có sự hỗ trợ kịp thời hỗ trợ theo nhu cầu và hỗ trợ đúng, đủ.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu và đề xuất với Chính phủ có một Nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó sẽ có những đường hướng chính sách, nhưng mục tiêu lớn nhất là sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để chăm lo tốt hơn cho những đối tượng bảo trợ xã hội, đối với những người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn và bảo đảm an sinh xã hội đối với mọi người dân.

Tôi tin tưởng rằng năm 2023 chúng ta sẽ làm tốt hơn, làm nhanh hơn và làm đầy đủ hơn, kịp thời hơn để bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn đối với tất cả người dân, đặc biệt là những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.