Do đặc thù ngành nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại nên công tác quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp luôn được Đội truyền tải điện Việt Trì coi trọng hàng đầu.

Anh Nguyễn Tiến Hùng, công nhân Đội truyền tải điện Việt Trì cho biết, đơn vị luôn thực hiện nghiêm chỉnh công tác quản lý an toàn, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ làm việc và phương tiện bảo vệ cá nhân.

Anh Hùng kể “Khi có lịch cắt điện, đội ngũ công nhân được kiểm tra sức khỏe tim mạch, đo huyết áp trước khi trèo cao, trước khi trẻo đeo dây an toàn 2 móc để đảm bảo khi làm việc trên cao”.

Hàng năm, công ty tổ chức huấn luyện cho cán bộ, công nhân viên về cách phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cách xử lý tình huống và các phương pháp sơ cứu người khi bị tai nạn sự cố như: băng bó, cầm máu vết thương, băng bó gãy xương cẳng chân, cẳng tay; cách sơ cứu khi bị ong đốt, rắn cắn...

“Mùa này trèo cột kiểm tra thì thường gặp ong, rắn, dết...Nếu phát hiện thì mình xua đuổi rắn đi, ong thì mặc quần áo bảo hộ xử lý bằng cách đốt...Xử lý xong an toàn mới thực hiện công việc” – anh Hùng chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Tuấn Trường, Đội truyền tải điện Việt Trì, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện, đội đã lập phương án ngăn ngừa sự cố cho từng trạm biến áp, từng đường dây....

Anh Trường cho biết “Hàng năm, mỗi cá nhân được công ty trang bị đầy đủ trang phục, bảo hộ lao động như mũ, quần áo, giày dép, đai an toàn...Cơ bản anh em chấp hành nghiêm túc, nếu cá nhân nào quên sẽ được nhắc nhở ngay. Nếu tái phạm có thể áp dụng hình thức trừ điểm năng suất”.

Trong điều kiện phải đảm bảo vận hành liên tục và an toàn khi thi công, sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng thiết bị…, đội ngũ công nhân truyền tải phải đảm bảo 3 điều kiện tối thiểu: an toàn tuyệt đối trong lao động, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch và không để ảnh hưởng tới tình hình cung cấp điện cho phát triển kinh tế và đời sống. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy trong đơn vị được duy trì thường xuyên, nghiêm túc.

Anh Trịnh Thế Nam chia sẻ: “Ngành điện là ngành đặc thù, nhiều nguy hiểm tiềm ẩn nên phải xác định mọi thứ đặt an toàn trên hết. Khi đi kiểm tra theo tuyến đường dây, có thể đi qua ruộng, bơi bằng thuyền hoặc mặc áo phao để tránh đuối nước”.

Ngoài công tác kiểm tra, khảo sát hiện trường, lập phương án thi công, nhận diện các rủi ro và chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động thì việc thực hiện biện pháp cảnh báo an toàn sẽ giúp cho nhóm công tác nhận biết đầy đủ phạm vi được phép làm việc, yên tâm khi thực hiện công việc.

Những công nhân truyền tải điện như anh Nguyễn Tuấn Trường luôn có nguyên tắc: thi công sửa chữa, bảo dưỡng trên các đường dây đang mang điện là phải đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động có yêu tố chủ quan.

“Trang bị bảo hộ lao động là để bảo vệ cho chính bản thân mình và những người bên cạnh. Bởi nếu xảy ra tai nạn lao động không chỉ ảnh hưởng tới chính bản thân mình, còn kéo theo cả đồng nghiệp. Do vậy chúng tôi luôn chấp hành nghiêm chỉnh an toàn lao động” – anh Trường khẳng định.

Với mục tiêu “An toàn là trên hết”, Đội truyền tải điện Việt Trì tăng cường lập phương án tổ chức thi công, biện pháp an toàn và nhận diện các mối nguy hiểm, rủi ro có nguy cơ dẫn tới mất an toàn lao động. Từ đó có các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới truyền tải điện quốc gia./.