Theo tính toán, trong tháng 4 này, dân số nước ta sẽ đạt 100 triệu người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu mốc quan trọng, mang đến nhiều cơ hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Tuy nhiên, với quy mô và cơ cấu dân số như hiện tại sẽ đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Đây là “góc nhìn” của Tiến sỹ Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ. “Dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê từ những năm trước, tôi thấy nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2008. Già hóa dân số diễn ra sớm và chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên tôi nghĩ tạo ra nhiều thách thức”, ông Trọng chia sẻ.

Đáng lưu ý là tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra rất nhanh. Số liệu thống kê cho thấy năm 2019, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số. Đến năm 2022, con số này là khoảng 13%. Dự báo, đến năm 2050, người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên hơn 25%. Theo PGS.TS Đỗ Thị Khánh Hỷ - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa Việt Nam, thực tế này sẽ tạo thêm áp lực lệ hệ thống an sinh xã hội. “Chúng ta thấy tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta cao; tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh cũng cao nên đòi hỏi mạng lưới chăm sóc rất lớn. Chi phí chăm sóc cho người cao tuổi cũng rất cao, vì các cụ mắc nhiều bệnh mạn tính, phải chăm sóc thường xuyên”, PGS.TS Đỗ Thị Khánh Hỷ phân tích.

Trước thực tế này, Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam cho rằng Nhà nước cần có chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực người cao tuổi. “Nước ta đang có lợi thế về lao động trẻ. Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh như hiện tại, chúng ta vẫn có nguy cơ thiếu nguồn lực về lao động trong tương lai. Vì thế, để điều này không sảy ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến sinh. Cùng với đó, chúng ta cần ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tiếp tục cống hiến. Tôi thấy, nhiều người ở tuổi 60, 70 vẫn còn sức khỏe tốt, có trình độ và kinh nghiệm. Họ cũng có nhu cầu lao động, phát triển kinh tế gia đình, sản xuất ra của cải cho xã hội”, Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ đề xuất.

Nghe bài viết dưới đây: