Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Để thúc đẩy phát triển công tác đào tạo nghề, trong những năm qua Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động tham gia.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030, định hình mô hình phát triển đất nước theo hướng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại (năm 2030) và là nước phát triển (năm 2045), trong đó, nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược và nêu rõ định hướng xây dựng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đẩy mạnh đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.

Trong đó xác định, việc phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với thị trường lao động quốc tế. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết; thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số; đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030; chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030.

Tạo việc làm tốt hơn cho người lao động: tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30%; tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm. Giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin.