Trong phiên làm việc sáng nay 7/11, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá...

Hầu hết các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương; đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - đoàn Bến Tre đề cập nội dung liên quan đến thừa kế. Đại biểu cho biết, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết quy định: Người trúng đấu giá có quyền được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế xe để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình. Vì khi chuyển nhượng, cho, tặng có thể giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác, nhưng khi để lại thừa kế, tức là người trúng đấu giá đã qua đời, làm sao giữ lại để đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình như dự thảo Nghị quyết quy định. Chính vì vậy, đại biểu Yến Nhi đề nghị bỏ trường hợp thừa kế trong dự thảo này.

Bên cạnh đó, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 quy định về người trúng đấu giá có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá và quá thời hạn mà không đăng ký, cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi biển số trúng đấu giá. Về nội dung này, đại biểu Yến Nhi đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ trong trường hợp thu hồi, người trúng đấu giá có được hoàn lại số tiền đã nộp hay không?

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định nhìn nhận: Nghị quyết đưa ra giá khởi điểm biển số đấu giá bằng khoảng 5% của các xe thông dụng, tương đương 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thị trường, có những dòng xe cao cấp có giá trị lớn, những dòng xe siêu sang, nhập về nước có giá lên tới vài chục tỷ đồng thì giá khởi điểm như vậy lại là thấp. “Xe có biển số đẹp sẽ nâng giá thành của xe lên rất nhiều, ví dụ xe có những biển trùng như 5 số 9, 5 số 8 gắn vào chiếc xe sang, khi đó giá của chiếc xe có thể nâng lên tới cả tỷ đồng thì 200 triệu không phải là cao.” - Đại biểu Cảnh phân tích.

Bên cạnh đó, Đại biểu đoàn Bình Định còn cho rằng: Thời hạn gắn biển số vào xe sau đấu giá nên gia hạn tới 12 tháng. Trên thực tế, với những dòng xe hút khách, khi không đủ hàng, thời gian đại lý hẹn giao xe từ 6 tháng đến 1 năm, vì vậy nên cho phép người trúng đấu giá biển số, nếu có hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua xe thì được gia hạn 6 tháng (tổng cộng là 18 tháng). Riêng biển số có giá khởi điểm là 200 triệu đồng nên cho phép gia hạn 12 tháng (tổng cộng 24 tháng) vì thời hạn đặt mua từ nước ngoài lâu hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn Tiền Giang cho rằng: “Khái niệm biển thế nào là “đẹp” tùy thuộc vào quan niệm của từng người và ở từng vùng miền khác nhua, có những người cho rằng biển số trùng với năm sinh của mình là đẹp, nhưng có người cho số trùng nhau mới là đẹp”

Bên cạnh đó, việc đưa ra giá khởi điểm ở mức giá thấp sẽ thực hiện được mục tiêu đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.

Cùng với đó, nếu ở mức thấp sẽ tạo thêm cơ hội cho nhiều người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao cũng được tham gia để lựa chọn biển số xe theo nhu cầu sở thích của mình.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - đoàn Long An góp ý một số vấn đề cụ thể. Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu cho rằng đối chiếu với các quy định hiện hành có liên quan, tên gọi của Nghị quyết chưa phù hợp, vì các cụm từ cấp quyền, lựa chọn, sử dụng, biển số là nội dung cốt lõi điều chỉnh trong Nghị quyết nhưng toàn bộ nội dung dự thảo lại chủ yếu là quy định về đấu giá. Việc giới hạn chỉ có quyền sử dụng biển số ô tô cũng chưa đầy đủ, bao quát hết quy định về mua, bán, tặng, cho, thừa kế biển số xe ô tô được thể hiện trong dự thảo. Do đó, đại biểu đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Nghị quyết là: Nghị quyết thí điểm về đấu giá biển số xe ô tô.

Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bổ sung: Cần khẳng định việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi không tham gia đấu giá biển số xe theo Nghị quyết thí điểm này thì quyền được cấp biển số như hiện nay vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành.

Đồng thời, đại biểu đề nghị sửa trong toàn bộ dự thảo Nghị quyết từ “chuyển nhượng” thành “bán”, từ “nhận chuyển nhượng” thành “mua” bởi việc sử dụng các cụm từ này có ý nghĩa xác lập quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi trúng đấu giá biển số và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Thực tế, gần 15 năm trước, một số địa phương đã thí điểm thành công việc đấu giá biển số xe, thu về hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc các ý kiến của Đại biểu Quốc hội để khi ban hành, Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân./.