Thời điểm tháng 12 là lúc các cơ quan, đơn vị tiến hành tổng kết cuối năm. Đây được coi là dịp để cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm đồng thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân tiên tiến, tiêu biểu trong các phong trào thi đua.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó trưởng Khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia, đánh giá công chức, viên chức là việc làm khó, nhạy cảm vì nó ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cũng như giúp công chức, viên chức phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả công tác.
Trong những năm qua, công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và cách làm, nhìn chung đã thực hiện đúng quy trình và thủ tục, mở rộng dân chủ hơn nên đánh giá cán bộ sát hơn. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, công tác này vẫn là khâu hạn chế nhưng chậm được khắc phục.
Bởi lẽ, việc đánh giá công chức, viên chức vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng được thực chất, việc kiểm điểm đại khái, ngại góp ý cho đồng nghiệp vì nể nang, sợ đụng chạm, hoặc chỉ vì thành tích mà không phản ánh được sự thật. Có những cuộc họp đánh giá chỉ toàn những lời khen ngợi, nêu các ưu điểm. Điều này vô hình chung khiến cho đội ngũ công chức, viên chức không nhận ra được những thiếu sót của bản thân để khắc phục, cũng như thế mạnh để phát huy.
Ngược lại, ở một số nơi, việc việc đánh giá cuối năm là cơ hội để “hạ bệ” uy tín lẫn nhau, nâng quan điểm, dùng những lời lẽ chua cay, chỉ trích cá nhân... Không những vậy, còn có một thực trạng người làm nhiều mắc lỗi nhiều, không làm không mắc lỗi, đến khi đánh giá, xếp loại lại chỉ dựa vào số lỗi khiến cho việc đánh giá không được khách quan, hiệu quả.
Kiểm điểm, đánh giá thiếu nghiêm túc, không thực chất sẽ dẫn đến hậu quả là việc đánh giá, bình bầu, xếp loại công chức, viên chức không chính xác. Từ đây sẽ dẫn tới nguy cơ sai lầm trong bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ, triển khai các chính sách, đãi ngộ không phù hợp, tâm lý bất bình, mất động lực lao động, phấn đấu, cống hiến trong nội bộ đơn vị.
Nguy hại hơn, đánh giá sai sẽ dễ dẫn đến nguy cơ thực hiện quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm thiếu chính xác, có thể để lọt những người không xứng đáng vào những vị trí lãnh đạo,... ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị, thậm chí làm suy yếu tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, trong đó có những tác động tiêu cực, cản trở, ảnh hưởng tiến trình phát triển của đất nước.
Công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cuối năm chính là dịp để mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức tự soi, tự sửa lại mình. Kết quả kiểm điểm cũng là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, không để cơ quan Nhà nước thành vùng trú cho lao động yếu kém. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đánh giá cán bộ nên kết quả có chuyển biến tích cực. Cụ thể, kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023, chỉ có 6,57 % là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là kết quả này đã đúng thực chất hay chưa?
Theo cử tri Mai Thanh Hà, ngụ Quận 5 TP.HCM, về tổng thể, việc đánh giá này cần có nhiều căn cứ. Bởi vẫn còn nhiều cán bộ, lãnh đạo cơ sở quan liêu, ham thành tích, được nhận xét là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do đó cần phải nhìn nhận một cách chính xác hơn.
“Khi đưa ra nhận xét về sự hoàn thành của cán bộ công chức thì nên cần có mục cho người dân bày tỏ ý kiến, vì người dân ở từng tổ dân phố mới biết được cái lề đường này bị lấn chiếm, cái nhà kia xây dựng trái phép, khu vực này lụt lội, khu vực kia kẹt xe. Người dân chính là người chính xác nhất bằng các hệ thống cảnh báo khác nhau để cho ra những nhận xét chính xác nhất về sự hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ”, cử tri Mai Thanh Hà chia sẻ.
Còn ở tỉnh Hậu Giang, vừa qua Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Đề án số 06 về “Thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ”, đã tạo sự chuyển biến về chất trong công tác tổ chức, cán bộ. “Hậu Giang tập trung vào khắc phục cái khâu yếu đó là khâu đánh giá cán bộ. Tỉnh đã ban hành qui định về bộ tiêu chí đánh giá, chấm điểm cán bộ. Trên cơ sở đó, đánh giá cán bộ căn cứ vào khối lượng, chất lượng hoàn thành công việc. Lựa chọn những cán bộ tốt để đưa vào bình bầu là những cán bộ xuất sắc; ngược lại những cán bộ không đảm bảo yêu cầu có năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc thấp thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định.
Để khắc phục những bất cập trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, ngày 17-7-2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, ngày 13-8-2020, về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức với nhiều điểm mới. Đáng chú ý, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP quy định rõ tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” theo quy định của Đảng.
Nếu quy định cũ tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên thì điểm mới trong đánh giá có hiệu lực từ ngày 15-9-2023 bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.
Ngoài ra, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP còn sửa tiêu chí xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Cùng với những chính sách được ban hành, PGS.TS Ngô Thành Can, Nguyên Phó trưởng Khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, để việc đánh giá công chức, viên chức đi vào thực chất, rất cần việc kiểm điểm, phản ánh đúng sự thật, những góp ý chân thành và thẳng thắn, đòi hỏi mỗi cá nhân cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trước tập thể, vì sự tiến bộ của tập thể để phê bình sáng suốt và tự phê bình nghiêm túc để mỗi người nhận thấy những khuyết điểm của bản thân và sửa chữa. Cùng với đó, trong công tác đánh giá, xếp loại công chức, viên chức cần nêu cao được tinh thần trách nhiệm của tập thể, của người đứng đầu trong chỉ đạo, chủ trì kiểm điểm.
Mời nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với PGS.TS Ngô Thành Can, Nguyên Phó trưởng Khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia: