Sáng nay (28/11), Quốc hội thảo luận dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Quy định về thuế suất đối với cơ quan báo chí nhận được sự quan tâm của các đại biểu với kiến nghị cần ưu đãi để các cơ quan này thực hiện tốt “sứ mệnh” của mình.
Theo quy định tại dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% (giảm 5% so với thuế suất phổ thông) đối với cơ quan báo chí từ hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in vẫn tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như hiện nay.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, báo chí có vai trò đặc biệt, hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận. Thế nhưng, Luật Thuế hiện tại chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường. Chính vì vậy, ông Bình kiến nghị ưu đãi hơn nữa về thuế cho các cơ quan báo chí: “Các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng báo chí lại chưa được áp dụng cơ chế tương tự dù có vai trò quan trọng trong xã hội. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số như google, facebook, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí ngày càng giảm khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Tôi đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện”.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc là rất thấp.
Ông Bình còn kiến nghị hỗ trợ gián tiếp cho các cơ quan báo chí với các biện pháp như thành lập Quỹ hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc xã hội hóa để tài trợ một phần cho hoạt động báo chí; xây dựng cơ chế thu thuế từ các nền tảng số để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong nước.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cũng cho rằng, mức thuế áp dụng đối với cơ quan báo chí như quy định tại dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Ban soạn thảo dự kiến giảm từ 20% xuống 15% đối với cơ quan báo chí nói chung và với báo in là 10%, tôi thấy đã có quan tâm, nhưng tôi nghĩ cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Nếu giảm thuế cho tất cả cơ quan báo chí xuống 10% như Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã nói sẽ rất tốt”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Lý giải về quan điểm này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đánh giá báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn; đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều trong khi nhiệm vụ thì nhiều hơn. Đặc biệt là áp lực từ cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn trong khi đặc thù của báo chí là lao động đêm hôm, sớm tối.
Theo ông Nghĩa, việc giảm từ 20% xuống còn 10% (thấp hơn 5% so với quy định tại dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), ngân sách nhà nước cũng không giảm thu đáng kể, vì doanh thu từ báo chí hiện đang rất thấp. Hơn thế, khi giảm thuế sẽ tạo động lực, động viên mạnh mẽ cho những người làm báo, làm tăng chất lượng của báo chí lên. “Cũng là sản phẩm báo chí nhưng làm cho xong, làm để lấp sóng thì nó khác. Nhưng nếu làm cho nó có ‘hồn’, có sự tâm huyết ở đấy thì chắc chắn cả xã hội được hưởng lợi. Việc truyền thông chính sách của chúng ta, việc định hướng thông tin của chúng ta sẽ tác dụng hơn rất nhiều, việc chống thông tin xấu độc sẽ có hiệu quả. Như vậy, giá thu một chút nhưng tăng được nhiều thứ: tăng niềm tin, tăng giá trị văn hóa…”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phân tích.
Trước đó, khi thảo luận tại tổ về dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp với các lĩnh vực truyền thông báo chí, văn hóa hiện quá cao, trong khi nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm mạnh. Nêu thực tế này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) kiến nghị: “Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa”.
Thậm chí, đại biểu Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, còn đề xuất giảm thuế sâu hơn nữa, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về vấn đề hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mong muốn Quốc hội đồng ý cho giảm thuế xuống 10% đối với báo in và các loại báo khác.
Ông Phớc cho biết đã trao đổi với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thống nhất về vấn đề này để hỗ trợ các cơ quan báo chí.