Bến đỗ nào cho trẻ khuyết tật trên hành trình học tập và hòa nhập?

Những bức ảnh kèm dòng trạng thái của chị Nguyễn Thu Phương, nhà ở Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội trong ngày sinh nhật con trai tròn 18 tuổi nhận được vô số lời chúc, chia sẻ và đồng cảm từ bạn bè, người thân. “Chàng trai của mẹ, những năm tháng tiếp theo mẹ con chúng ta lại tiếp tục đồng hành nhỉ?”.

Thổi nến sinh nhật lên 3, con trai hầu vẫn không biết nói, hầu như không có giao cảm với cuộc sống xung quanh. Thời điểm 15 năm năm trước, khi chị Phương nhận được kết quả từ bác sĩ về việc con trai khuyết tật dạng tự kỉ, chưa mấy người nghe hay hiểu tự kỉ là gì. Con được chẩn đoán tự kỉ thể tăng động. Để con có được những kĩ năng bình thường nhất như việc ăn, việc ngủ đến cả vui chơi trước khi vào tiểu học với chị Phương là quãng đường dài đầy âu lo, vất vả. Đã biết bao đêm chị khóc thầm, thương mình thì ít, thương con thì nhiều.

6 tuổi, như bình thường, con sẽ vào lớp 1. Nhưng trường học từ chối nhận. Chị đành tự mày mò tìm và mời giáo viên về nhà dạy riêng cho con, thật chậm từng bước từ cầm cái bút, khoanh được những nét đầu tiên. Và tới 8 tuổi, con mới được nhận vào lớp 1. Khó khăn vẫn không thôi bởi lớp học trường công đông đúc, một giáo viên không thể vừa dạy các bạn học sinh khác, vừa dỗ dành, giữ con trai chị Phương ngồi yên. Người mẹ ấy lại phải mời giáo viên khác hỗ trợ con trong mọi giờ lên lớp.

Tốn kém về tiền bạc, kiệt quệ về tinh thần, cuộc sống gia đình nhiều lục đục rồi tan vỡ, một mình chị Phương vừa lo kiếm tiền, vừa đồng hành cùng con trên hành trình học tập. Sang cấp 2, ngôi trường chị xin được cho con theo học cách nhà ngót 20 km. Ngày nào cũng như ngày nào, bất kể mưa nắng, mẹ con chở nhau vượt những điểm tắc nghẽn kinh hoàng của thành phố để tới trường.

Năm ngoái, khi con trai 17 tuổi, chị đành để con nghỉ ở một trung tâm dạy nghề tư nhân cho người khuyết tật bởi nhiều lí do: 12 triệu/tháng cho con đã vượt khả năng tài chính của mẹ đơn thân. Vả lại sau 3 năm học nghề, với cách dạy theo từng phần việc, con chị Phương mới chỉ biết một phần việc duy nhất: Làm cánh hoa. Có nghĩa rằng hành trình để con học được một nghề sẽ kéo dài vô tận.

So với chừng 10 năm trước thì ở thời điểm này, việc tìm lớp học ở bậc phổ thông để gửi trẻ có yêu cầu đặc biệt về giáo dục đã thuận lợi hơn. Nhưng khi ngấp nghé độ tuổi thanh niên, con đường tiếp tục học nghề lập nghiệp của các em thế nào vẫn là câu hỏi khó.

Chị Đậu Phương Dung, từ TP. Hồ Chí Minh lặn lội đưa con ra Hà Nội để con được học nghề phục vụ bàn và pha chế trong một quán café dành riêng cho người khuyết tật. Trước đó cũng là cả hành trình dài chị tìm lời giải về hướng đi cho đứa con mắc thể Down. Trường Thảo Điền, nơi con chị theo học chỉ có thể dạy trẻ đến năm 18 tuổi.

Những đứa trẻ đủ tuổi trưởng thành về pháp luật nhưng trí tuệ mới chỉ dừng ở tuổi chưa lên 10 không thể hòa nhập với cộng đồng xa lạ. Chị Phương Dung đã liên tục tìm kiếm, đưa con đến các mô hình khác nhau để mày mò, thử nghiệm tìm hướng đi tương lai xa hơn cho con. Một nghề cụ thể, một công việc dù thu nhập thấp nhưng khiến con sống hữu ích và tự tin được xem như mục tiêu hàng đầu với người mẹ này.

Được xác định Down ngay từ khi mới sinh, con gái chị Dung may mắn khi mẹ sớm xác định việc sẽ phải kiên trì đồng hành cùng con lâu dài. Việc đầu tiên chị và các thành viên trong gia đình thực hiện chính là tạo cơ hội để con tiếp xúc xã hội, không giấu diếm, né tránh con mắt người ngoài về tình trạng của con. Chính điều này khiến con gái chị thay đổi, tiến bộ nhanh so với bạn bè đồng tật.

“Theo nhiều nghiên cứu từ nước ngoài, các bạn khuyết tật nói chung, Down nói riêng sẽ có khả năng sống độc lập nếu có được sự rèn luyện cẩn trọng, chu đáo. Và theo thói thường vì sốt ruột, vì thương con, chúng ta hay giành làm hộ các việc. Chính điều này sẽ khiến cơ hội tự chủ rời xa con”, chị Dung chia sẻ.

Sau chuyến du học xa nhà và kéo dài cả năm trời, chị Dung ấp ủ việc thành lập một quán café khi trở về TP.Hồ Chí Minh với mong ước con và bạn bè đồng cảnh có thể dần độc lập.

Để trẻ khuyết tật học hòa nhập và tiến tới học nghề cần sự góp sức từ nhiều phía. Trong đó gia đình với sự kiên trì, tình yêu và thực sự xóa bỏ được xấu hổ, mặc cảm về việc có một đứa con khuyết tật sẽ khiến hành trình có được cuộc sống bình thường của các em bớt dài, bớt gian khổ.

Cha mẹ đừng vội buông tay

Với trẻ khuyết tật nói chung, trẻ khiếm khuyết về trí tuệ nói riêng có một sai lầm cha mẹ các em thường vấp phải, đó là sau một thời gian can thiệp, con không tiến bộ, phụ huynh có tâm lý buông xuôi. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm được các chuyên gia xác định tình trạng của con, cha mẹ đã phải xác định quá trình can thiệp để thay đổi sẽ kéo dài hàng năm, thậm chí diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời của đứa trẻ.

Nếu chúng ta dừng lại ở một giai đoạn nào đấy thì lập tức là sẽ bị trễ sự phát triển, đôi khi còn khiến tình trạng nặng hơn. Ba mẹ nên có cái nhìn dài hơi và tổng quan tốt hơn trong quá trình can thiệp cho trẻ. Mỗi một giai đoạn mình tập trung được mục tiêu nào là quan trọng thay vì việc dàn trải. Lúc đấy dần dần mình sẽ nhìn thấy sự tiến bộ của con rồi từ đấy cũng cảm thấy có niềm tin hơn rất nhiều”, Th.s Tạ Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lí và giáo dục Sen Việt, phụ trách trang Can thiệp sớm SVI chia sẻ.

Riêng với tự kỉ, rất nhiều phụ huynh nhận thức sai khi cho rằng đây là một bệnh. Và vì coi là bệnh nên theo cách các cụ sẽ “vái tứ phương”. Nhiều gia đình sẵn sàng cho con uống nhiều loại thuốc lá với ước mơ cuộc sống bình thường sẽ trở lại với đứa trẻ. Điều này vừa mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và cả thời gian vàng cho những can thiệp sớm để sớm hòa nhập cộng đồng.

Một nhóm phụ huynh khác lại có tâm lí đổ lỗi cho bản thân khi cho rằng việc con tự kỉ xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ.

“Hãy nên tìm đến những suy nghĩ tích cực hơn và tìm ra phương hướng hoặc kế hoạch để can thiệp tích cực hơn, thay vì chúng ta cứ ngồi và dằn vặt nguyên nhân gì tại sao con tôi bị như thế này. Bố mẹ cứ gần gũi nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn và tương tác với trẻ nhiều hơn sẽ khiến con tiến bộ nhiều hơn”, Ths. Tạ Nhung đưa ra lời khuyên với phụ huynh.

Trong thực tế làm việc, cô Nhung gặp nhiều trường hợp cha mẹ không có điều kiện kinh tế để sử dụng các dịch vụ can thiệp chuyên nghiệp từ giáo viên hoặc can thiệp viên được đào tạo chuyên ngành khi mức giá lên tới 200.000 đến 300.000 đồng/ giờ.

Tuy nhiên, gia đình được khẳng định là môi trường sinh hoạt, môi trường sống tốt nhất, tích cực nhất. Nếu như những hoạt động trên lớp của cô, bố mẹ áp dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, luyện tập theo kiểu cứ lặp đi lặp lại ngay tại nhà cùng con, chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Việc trao đổi thường xuyên với giáo viên, thậm chí quay video gửi nhờ cô chỉnh sửa, hướng dẫn sẽ giúp phụ huynh dần đứng được ở vị trí của người can thiệp có chuyên môn, đồng thời giảm áp lực chi phí cho gia đình.

Trên hành trình đồng hành, sẽ không tránh khỏi những thời điểm phụ huynh rơi vào trạng thái bất lực, bi quan bởi tốc độ tiến triển cũng như những đáp ứng của con với các dạng bài tập nhằm thích ứng được cuộc sống chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, cũng theo cô Tạ Nhung, sẽ không có quá nhiều lựa chọn ngoài yêu thương và kiên nhẫn nhiều hơn.