Dịch COVID-19 ập đến và diễn biến phức tạp trong suốt 2 năm qua khiến cho hàng vạn doanh nghiệp lao đao. Người lao động vì thế rơi vào thất nghiệp ngày một nhiều. Thậm chí, nhiều lao động như anh Tuấn làm nghề phát hành báo lâu năm ở một tòa soạn ở Hà Nội cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.

"Dịch bệnh khiến cho việc xuất bản, phát hành báo gặp nhiều khó khăn. Tòa soạn thay đổi cơ cấu lao động và cắt giảm nhân sự nên tôi bị thất nghiệp giờ phải đi tìm công việc mới", anh Tuấn cho biết.

Mỗi ngày, Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tiếp nhận hàng trăm người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Mỗi lao động đến hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội là những hoàn cảnh, số phận khác nhau. Có người vừa mới có được việc làm thì dịch COVID-19 ập đến, có người đã đi làm hàng chục năm nhưng do doanh nghiệp khó khăn cũng phải nghỉ làm. Nhưng điều giúp cho những người lao động như chị Hoàng Thị Xuân (Phú Thọ) là họ vẫn còn bảo hiểm thất nghiệp để trợ giúp trong khoảng thời gian khó khăn này.

"Nghỉ việc thế này bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ mình 3 tháng để tìm công việc mới. Trong 3 tháng này khoản tiền bảo hiểm sẽ hỗ trợ mình một phần chi phí sinh hoạt trong khi chưa có việc làm", chị Hoàng Thị Xuân cho biết.

So với thu nhập hàng tháng khi có việc làm, khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng chỉ bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Tuy nhiên đây là khoản trợ cấp cực kỳ quan trọng đối với những lao động đang bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Không chỉ được hưởng trợ cấp, người lao động khi đóng bảo hiểm thất nghiệp còn được tham gia các hoạt động đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lao động, được giới thiệu việc làm mới phù hợp với trình độ, kỹ năng của mình.

"Tôi đã nhận được Bảo hiểm thất nghiệp 1 tháng, trong thời gian xảy ra COVID-19 đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn khi mình chưa tìm được công việc phù hợp, đặc biệt là trang trải những chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tôi cũng dành khoản tiền đó tôi cũng dành để tìm hiểu công việc mới", anh Trần Văn Hùng (Hà Nội) cho biết về hoàn cảnh của mình.

Trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn được Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện theo hình thức trực tuyến hoặc qua đường bưu điện.

Anh Đào Trường Vân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội) cho biết, sau khi Hà Nội ngừng thực hiện chỉ thị 16, số người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng đông hơn.

"Số người lao động tăng đột biến hơn so với thời gian giãn cách. Thời gian giãn cách chúng tôi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện. Số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thường giao động từ 3 tháng đến 12 tháng. Hiện tại đã có người hưởng trợ cấp ở mức cao nhất là 12 tháng, tùy thuộc vào thời gian mình đóng bảo hiểm thất nghiệp", anh Đào Trường Vân cho biết.

Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm tiếp nhận hơn 48.000 lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 mới thấy giá trị của chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp để vượt qua khó khăn trước mắt.

"Sau đại dịch này, tôi cho rằng, các cơ quan tham mưu Chính phủ cần tiếp tục sửa đổi một số quy định bảo hiểm thất nghiệp để làm sao phát huy phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách an sinh này", ông Tạ Văn Thảo cho hay.