Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cuộc sống của những lao động bị mất việc vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn. Nhiều người hiện đã phải dùng đến khoản trợ cấp thất nghiệp cuối cùng nhưng hiện vẫn chưa tìm được việc làm. Chị Nguyễn Thị Định ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một trong số đó. Sau hơn 10 năm gắn bó với công việc tạp vụ tại một khách sạn có tiếng ở Hà Nội, chị không nghĩ sẽ có ngày phải nghỉ việc vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống. “Em làm ở khách sạn. Trước đây, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh, khách sạn không có khách, lương giảm còn được 7 triệu đồng/tháng”, chị Định tâm sự.

Thu nhập của chị Định giảm hơn một nửa, chồng làm bảo vệ nên lương cũng không đáng là bao, trong khi mọi chi tiêu của gia đình không thay đổi. Để đảm bảo trang trải cho cuộc sống, chị Định nộp đơn xin nghỉ việc. Mục đích là trong lúc “sống tạm” bằng nguồn trợ cấp thất nghiệp chị sẽ tìm công việc mới với hy vọng thu nhập tốt hơn. Thế nhưng thời hạn hưởng trợ cấp thì sắp hết mà chị vẫn chưa có nơi nào nhận vào làm. “Em tìm nhiều chỗ nhưng chưa có việc làm nào phù hợp”, chị Định than thở.

Anh Nguyễn Ngọc Huy ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng từng làm việc cho một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch hơn 10 năm. Dịch Covid-19 bùng phát, công ty từ chỗ cắt giảm thu nhập rồi tiến đến cho anh nghỉ việc vì không còn khả năng trả lương. “Trước đây, em làm hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế. Trong thời gian dịch bệnh, không có khách, công ty khó khăn nên cắt giảm nhiều nhân sự, em trong diện đấy”, anh Huy kể.

Theo quy định, anh Huy được hưởng tối đa 10 tháng trợ cấp thất nghiệp. Hiện anh đã nhận đến tháng thứ 9 nhưng vẫn chưa có “tín hiệu” sẽ tìm được việc làm mới. “Em vẫn đang cố xin vài nơi. Lần này không xin được nữa thì em sẽ chuyển nghề khác. Em mới nghĩ đến việc lái xe taxi, nhưng dịch bệnh thế này có vẻ cũng khó. Em có mấy người bạn từng chuyển nghề sang lái taxi nhưng vừa rồi em cũng thấy nghỉ suốt”, anh Huy thổ lộ.

Không bị nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự như anh Huy, chị Định, song chị Bùi Bảo Minh cũng lâm vào cảnh thất nghiệp khi “nhảy việc” vào thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp. Đã nhận đến 9/10 tháng lương trợ cấp thất nghiệp theo tiêu chuẩn nhưng chị vẫn chưa tìm được việc làm mới. Chị Minh chia sẻ: “Không ai muốn thất nghiệp. Như hoàn cảnh của em, số tiền trợ cấp thất nghiệp mà phải nuôi 3 con ăn học thì thực sự khó khăn”.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 5/2021 đến nay lượng người lượng người đến làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp có tăng nhẹ. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh được ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong đợt bùng phát mới nhất. “Theo quy định, sau khi mất việc, người lao động có 3 tháng để chờ việc làm mới và làm thủ tục hưởng trợ cấp. Những người bị mất việc trong đợt dịch này có thể giờ họ mới đang làm hồ sơ”, ông Định lý giải.

Mất việc làm, nhiều người lao động đang rất chật vật khi phải “sống tạm” bằng nguồn trợ cấp thất nghiệp. Nhưng nguồn trợ cấp ấy cũng không thể kéo dài. Để gỡ khó cho những lao động thất nghiệp chỉ còn cách cùng nhau phòng chống dịch bệnh. Khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi thì nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng lên và người lao động sẽ tìm được việc làm.