Đây là cuộc Điều tra lần thứ ba theo Quyết định 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Hai cuộc điều tra trước đó được thực hiện vào năm 2015 và năm 2019.

Tầm quan trọng của Cuộc tổng điều tra

Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn từ ngày 01/7 đến 15/8/2024 tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, việc tổ chức thành công Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra; từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc điều tra tại địa phương.

Cuộc điều tra lần này sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp. Các điều tra viên sẽ đến từng hộ để thu thập các thông tin về: Nhân khẩu học của dân số; Giáo dục; Di cư; Hôn nhân; Sử dụng bảo hiểm y tế; Việc làm; Lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi và các thông tin về người chết; Nhà ở và điều kiện sinh hoạt; Đất ở, đất sản xuất; Một số loại gia súc chủ yếu; Tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.

Bên cạnh đó, nội dung điều tra đối với UBND xã gồm các thông tin về: Đặc điểm của xã; Sử dụng điện, đường, giao thông; Trường học và trình độ giáo viên; Nhà văn hóa; Y tế và vệ sinh môi trường; Chợ và cụm/khu công nghiệp; Trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; Tôn giáo, tín ngưỡng; Mức độ phủ sóng điện thoại và internet.

Phát biểu tại lễ ra quân, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, qua điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025; Đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030; Làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng lưu ý, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng dân tộc thiểu số.

"Đề nghị Ban Dân tộc của tỉnh động viên nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc tra, các điều tra viên có phương phương pháp điều tra phù hợp, tránh ồ ạt, hình thức, không máy móc và cũng không qua loa", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA Việt Nam) chia sẻ, kết quả thu được từ cuộc Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt…

“Dữ liệu toàn diện, tin cậy được phân tách theo giới tính, dân tộc, là điều kiện cần thiết là để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Matt Jackson khẳng định.

Hòa Bình nỗ lực về đích sớm…

Là tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73% dân số của toàn tỉnh, trong đó có dân tộc Mường chiếm 64,28%; dân tộc Kinh chiếm 25,69%; dân tộc Thái 4,03%; dân tộc Dao 2,02%; dân tộc Tày 3,01%; dân tộc Mông 0,83%. Hạ tầng kinh tế-xã hội, thu nhập và đời sống của số đông đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các nguồn lực từ chương trình mục tiêu Trung ương, tỉnh và các địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ du lịch giải quyết tăng việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc.

Theo ông Trần Văn Thạch, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình, số liệu thống kê về thực trạng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội về điện, đường, trường, trạm, điều kiện sống, việc làm, thu nhập, đời sống cư dân… vùng dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết, góp phần phục vụ đắc lực cho đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, cũng như xây dựng, hoạch định chính sách phát triển giai đoạn 2026-2030 và các giai đoạn tiếp theo.

Ông Thạch cho rằng, thực hiện cuộc điều tra không hoàn toàn chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương.

“Chúng tôi xác định cần làm tốt khâu tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, đặc biệt phát huy mạnh vai trò, uy tín của Già làng, trưởng bản trong vận động đồng bào tích cực hưởng ứng, cung cấp thông tin cho điều tra viên chính xác, đầy đủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã và thôn, cùng với sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh”, ông Thạch nhấn mạnh.

Với sự hỗ trợ của công nghệ số, (thu thập thông tin bằng sự trợ giúp của thiết bị điện tử di động (máy tính bảng, điện thoại thông minh), cùng sự nhiệt tình, tâm huyết trách nhiệm của các điều tra viên, già làng trưởng bản, cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tạo nên một không khí khẩn trương, quyết tâm nỗ lực ngay từ ngày đầu ra quân.

Chị Phạm Thị Trang, điều tra viên của xóm Mạ, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình trải lòng, đây là lần thứ 5 chị tham gia các cuộc điều tra lớn của địa phương, thế nhưng lần nào chị cũng cảm thấy hồi hộp lo lắng. Bởi vậy ngoài việc tham gia đầy đủ các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ điều tra do Cục Thống kê tổ chức, chị còn phải tự trau dồi kiến thức rèn luyện kỹ năng khi tiếp cận hộ gia đình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

“Qua tập huấn tôi đã nắm chắc mục đích, yêu cầu của cuộc điều tra, đồng thời được trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ điều tra cũng như sử dụng thành thạo phần mềm CAPI để thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm bảo đúng yêu cầu phương án điều tra quy định”, chị Trang chia sẻ.

Cũng theo chị Trang, với mỗi cuộc điều tra sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức khác nhau. Đối với cuộc điều tra lần này, ngoài những hạn chế từ đối tượng điều tra là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp thì việc đi lại của điều tra viên cũng sẽ khá vất vả, người dân lại đang trong thời gian mùa vụ phải đi nương, rẫy thường xuyên vắng nhà.

“Việc tiếp cận, phỏng vấn ghi phiếu mất nhiều thời gian mới hoàn thành vì không phải đến một lần đã gặp được họ. Bên cạnh đó địa hình đồi núi cao dẫn đến sóng wifi, 3G, 4G yếu, có nơi không có sóng, gây ảnh hưởng đến chương trinh điều tra CAPI; Phiếu điều tra nhiều câu hỏi, nghiệp vụ khó, trong khi năng lực chuyên môn, kỹ năng điều tra viên còn hạn chế ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc điều tra”. Thách thức là rất lớn nhưng chị Trang tin tưởng mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ thu thập thông tin trong vòng 45 ngày theo đúng tiến độ mà cuộc điều tra yêu cầu.

Cũng chính từ sự tận tâm, nhiệt huyết của những điều tra viên như chị Phạm Thị Trang nên hầu hết người dân đều hiểu rõ ý nghĩa của cuộc điều tra và tích cực cung cấp thông tin. Ông Bùi Minh Hài, dân tộc Mường ở xóm Mè, xã Tú Lý, Đà Bắc cho biết, gia đình đã được thông tin tuyên truyền về cuộc điều tra và tự nguyện cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực theo yêu cầu của điều tra viên. Ông Hài hy vọng khi có thông tin đầy đủ, Đảng, Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, sát thực với cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

So với điều tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH 53 DTTS năm 2015 và năm 2019, cuộc điều tra lần này có sự thay đổi về tiêu chí xác định địa bàn. Theo đó, địa bàn điều tra được quy định là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống chiếm từ 15% trở lên so với tổng số dân của địa bàn, thay vì 30% như các cuộc điều tra trước. Với sự đổi mới này, tổng số huyện được chọn mẫu điều tra đã tăng lên từ 437 huyện năm 2019 (theo danh mục hành chính tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019) lên 472 huyện, trong đó nhiều huyện có toàn bộ địa bàn được chọn mẫu điều tra. Tổng số địa bàn điều tra được chọn mẫu tăng từ 14.660 địa bàn điều tra năm 2019 lên 14.928 địa bàn điều tra năm 2024.

Thời gian thu thập thông tin của cuộc điều tra kéo dài trong 45 ngày

Kết quả cuộc điều tra sẽ bàn giao cho Ủy ban Dân tộc vào tháng 4/2025 và được công bố vào tháng 7/2025.