Nậm Chạc là một trong những xã biên giới khó khăn của huyện vùng cao Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trước đây, cả xã có hơn 500 hộ dân thì một nửa trong số đó thường xuyên rơi vào cảnh thiếu đói mỗi khi giáp hạt. Từ năm 2015, nhờ các Chương trình 134, 135 của Chính phủ, Đảng ủy xã Nậm Chạc đã ra nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đặt ra mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, không còn di canh di cư. Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ông Lù A Hòa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Chạc rất vui khi bà con không còn bị đói cơm, thiếu áo như xưa.

“Hiện nay, đường ô tô đã đến dược tất cả các bản. Hầu hết các hộ dân trong xã đều được sử dụng điện. 8/8 thôn bản đều có điểm trường. 100% người dân trên địa bàn xã đều có thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản ngay tại tuyến xã. Bây giờ gần như nhà nào cũng có điện thoại thông minh. Sóng 4G cũng đã bao phủ trên địa bàn. Vì vậy, bà có có thể lên mạng tìm hiểu các thông tin bên ngoài. Khi cần bán các mặt hàng nông sản của địa phương cũng chỉ cần đăng lên các trang mạng xã hội là người ta biết luôn và người ta liên hệ mua luôn, rất thuận tiện” – ông Lù A Hòa nói.

Anh Chảo Kim Tiến ở thôn Biên Hòa cho biết, cuộc sống trước kia thiếu thốn đủ thứ, giờ đây gia đình anh không còn phải ăn ngô, ăn sắn thay cơm và đã sắm sửa được một số tiện nghi như TV, tủ lạnh, xe máy. Có điện, có đường, nông sản cũng dễ tiêu thụ hơn và bán được giá hơn.

Người dân ở Nậm Chạc đang cố gắng tìm hướng đi, phát triển kinh tế hộ gia đình theo các mô hình khác nhau như chăn nuôi, trồng lúa nước, trồng sắn và cây công nghiệp...Hiện trên địa bàn xã có diện tích trồng quế rất lớn, dự kiến năm 2025 sẽ phát triển lên 700 héc ta.

Cùng nhau lao động, sản xuất, bà con ở Nậm Chạc còn cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm những hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ, Hội nông dân và chính quyền xã còn mở các lớp đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng để bà con được hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả.

Dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt sau cơn bão số 3 Yagi, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị sỏi đá vùi lấp, nhưng bà con các dân tộc ở Nậm Chạc vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, vực dậy sau thiên tai, tiếp tục lao động sản xuất, để từng bước thoát khỏi đói nghèo.