Sáng 18/5/2022, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ hai, nhiệm kỳ 2022 - 2027, với chủ đề “Nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và nhân văn cao cả, ra sức xây dựng Hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên và phát triển”.

Đất nước đã không còn chiến tranh, nhưng chúng ta vẫn đang tiếp tục phải giải quyết, khắc phục hậu quả của nó. Một trong những di chứng của chiến tranh đó là những ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại. Với số lượng rất lớn, ước tính khoảng 800.000 tấn còn tồn sót, đang gây ô nhiễm trên diện tích đất đai khoảng 6,6 triệu ha, tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng, số người bị chết và bị thương do tai nạn bom mìn vật nổ rất lớn (bị thương 62.163 người, bị chết 42.135 người) đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đứng trước thực tế đó, có những con người, những tấm lòng đau đáu mong mỏi xoa dịu nỗi đau cho những nạn nhân bom mìn, nên đã cùng nhau tụ hội lại. Với rất nhiều nỗ lực và được phép của các cơ quan chức năng, ngày 11/11/2014, Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã được tiến hành trang trọng. Với mục đích “Tập hợp, đoàn kết hội viên, kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, hơn 7 năm qua với sự chung sức, chung lòng xoa dịu nỗi đau do hậu quả bom mìn, vật nổ, hơn 1.500 hội viên, mỗi người phát huy nội lực của mình, chung tay góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều nạn nhân bom mìn trên khắp cả nước.

Phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ 2, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nhấn mạnh: Hội đã trải qua nhiệm kỳ thành công trên nhiều mặt, khắc phục khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19, tình hình thiên tai, bão lũ để duy trì thường xuyên những chương trình ý nghĩa, thiết thực. Các cơ quan chức năng của Hội đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các hội, chi hội địa phương để duy trì hoạt động đúng nề nếp, triển khai thực hiện theo đúng Nghị quyết, chương trình đã đề ra, trong đó có nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc”.

Đến nay, Hội có lực lượng lớn được thành lập tại các địa phương và đi vào hoạt động hiệu quả gồm: 2 Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh thành tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và 17 chi hội trực thuộc Trung ương Hội gồm: 5 Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn khu vực thành phố Hà Nội và 12 chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn các tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum. Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi, trong nhiệm kỳ, Hội đã vận động và kết nạp được gần 1.500 hội viên đăng ký tham gia sinh hoạt, hơn 80% người có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có khoảng 15% hội viên có học vị, trình độ GS, PGS, TS, nhiều tướng lĩnh sỹ quan cấp cao quân đội, cán bộ nhà nước.

Tại Đại hội, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đã trình bày báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nhiệm kỳ I (2014 - 2021) cũng như chia sẻ về những định hướng của nhiệm kỳ II (2022 - 2027). Trong đó khẳng định tập thể hội viên đều là những người tự nguyện, có nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái, có uy tín và trình độ chuyên môn trên từng lĩnh vực cụ thể, sẵn sàng dốc lòng, dốc sức đóng góp tâm sức và trí tuệ vào công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam. Từ những nỗ lực ấy, cùng các nhà hảo tâm, Hội đã tiến hành 28 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân trên địa bàn 21 lượt/tỉnh, thành phố cho hơn 5.600 người, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong đó có hơn 300 gia đình nạn nhân bom mìn các tỉnh đư­ợc hỗ trợ 1 con bò sinh sản… đến nay đàn bò tại các tỉnh đã phát triển thêm hàng trăm bò con. Trên 5.100 ngư­ời đ­ược hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể nh­ư: tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở, tặng một số phư­ơng tiện nghe nhìn, hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho nạn nhân… Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay Hội đã cùng Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai (nay là Quỹ Hoa Hòa bình Việt Nam), Tổ chức nhân đạo “Chia sẻ” của TP.HCM phối hợp tổ chức thành công các đợt tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân tại các tỉnh trọng điểm, kết hợp tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc cho các nạn nhân, gia đình chính sách và người nghèo, tặng sách vở, xe đạp, quà cho học sinh trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Hội nhận được sự tin tưởng và quan tâm đồng hành giúp đỡ về vật chất và tinh thần của nhiều tổ chức, doanh nghiệp như: Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ quốc phòng, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long (TASECO), Công ty Thuỷ sản KV1, Công ty lâm thuỷ sản Hà Giang, Công ty ống thép Minh Ngọc, Bồ đề Đạo tràng, Cơ quan MIA/BQP. Đặc biệt nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân (bà Mai Thị Hạnh) đã luôn dành cho Hội những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ đến các nạn nhân tại các tỉnh thành.

Từ sự hỗ trợ ban đầu của Hội đã giúp cho cuộc sống của nhiều gia đình được hồi sinh. Tiêu biểu như ông Huỳnh Anh ở thôn Cẩm Nê, xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Tứ, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ông Đinh Như Ngà, thôn Quy Hợp 2, xã Xuân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình, cùng rất nhiều trường hợp khác...

Ông Đinh Như Ngà sau khi được Hội hỗ trợ hoàn thành ngôi nhà mơ ước, giúp gia đình ông an toàn vượt qua mùa bão lũ vừa rồi, đã cảm động viết những câu thơ: “Một đời mới có hôm nay/ Đàng hoàng an nghỉ nhà xây vững vàng”.

Với các nạn nhân bom mìn, khi nhận những món quà này tuy chưa thể bù lấp nỗi đau mất mát do chiến tranh, nhưng phần nào đã góp thêm sức mạnh để các nạn nhân tự tin vươn lên, cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch thường trực Hội cho biết: Để đồng hành cùng các nạn nhân bom mìn, dù còn những khó khăn, nhưng với phương châm “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn - Vì cuộc sống bình yên và phát triển”, trong phương hướng nhiệm kỳ tới, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ tiếp tục vận động để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bom mìn, vật nổ. Bên cạnh đó, Hội sẽ tích cực nghiên cứu, đề xuất với nhà nước có những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người bị tai nạn bom mìn cũng như đẩy mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Bằng những hoạt động hiệu quả và giàu ý nghĩa nhân văn, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt nam đã khẳng định được uy tín, niềm tin và trở thành một địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, vững tin xây dựng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Vì mục đích nhân đạo, tấm lòng thiện nguyện và trong sáng, Hội đã và đang tiếp tục góp phần để mang lại một cuộc sống bình yên và phát triển cho người dân, cho đất nước.