Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, hôm nay, Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách” nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi hơn nữa về cách tổng hợp, biên soạn số liệu thống kê tới các nhà báo, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao công tác truyền thông chính sách.

Tọa đàm do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì với sự góp mặt của các đồng chí Phó Tổng cục trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện nhiều cơ quan, báo chí truyền thông, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan đóng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Hương gửi lời tri ân và chúc mừng đến các nhà báo, những người làm công tác báo chí luôn “vững tay bút”, mang sức mạnh quyền lực thứ tư, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Bà Hương cũng bày tỏ sự cảm ơn các nhà báo đã luôn đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Thống kê trong những năm qua và những năm sắp tới, đưa số liệu thống kê đến gần hơn với đông đảo người dùng tin trong và ngoài nước.

Tọa đàm nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến thảo luận, chia sẻ sôi nổi đến từ các nhà báo, phóng viên và những ý kiến trả lời xác đáng đến từ lãnh đạo các đơn vị chuyên môn.

Đồng chí Nguyễn Thị Hương khẳng định, trong thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế. Ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin Thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của Ngành, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; xây dựng Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là căn cứ để định kỳ 5 năm và hằng năm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo thuận lợi cho lãnh đạo các cấp trong việc sử dụng thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu từ Trung ương đến địa phương nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Bên cạnh đó, ngành Thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; Nghiên cứu xây dựng đề án về Tư liệu hóa và chuyển đổi số trong Ngành; Tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, Tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê, như các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra Lao động việc làm; chuyên gia IMF trong Đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam, trong điều tra giá; …

Với sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin, sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống... đòi hỏi ngành Thống kê phải luôn vận động, đổi mới. Các phương pháp thống kê vì thế có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội.

Đơn cử, để triển khai những chỉ tiêu mới, ngành Thống kê đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như Kinh tế số, logistics, rồi sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai hoạt động, ngành Thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như: Số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế; thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở; công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu của một số người dùng tin... Vì vậy, trong thời gian sắp tới, ngành Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong mỏi các nhà báo tiếp tục đồng hành để đưa những thông tin, số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ hơn, đến gần hơn với đông đảo công chúng./.