Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì. Tham dự có đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Xây dựng, Viện vật lý địa cầu và UBND tỉnh Kon Tum, các công ty quản lý công trình thủy điện trên địa bàn Kon Tum, đặc biệt là Thủy điện Thượng Kon Tum.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất vừa qua tại Kon Tum đều là các trận nhỏ, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc, nhưng không gây rủi ro về thiên tai. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần.

Cụ thể, trong năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn >=2.5 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Kum. Đặc biệt trong các ngày 15-18/4 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.5 độ richter. Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plong cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn.

Phân tích về chuyên môn, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất kích thích sẽ có tác nhân nào đó như đập thủy điện, kích hoạt vào đấy xảy ra trận động đất sớm hơn. Theo nhận định sơ bộ thì tháng 3/2021 thủy điện thượng Kon Tum có tích nước và sau đó liên tiếp xảy ra động đất.

Ông Xuân Anh cho rằng, theo đánh giá sơ bộ thì động đất ở Kon Tum có khả năng liên quan động đất kích thích như trường hợp ở sông Tranh 2. Dự kiến thời gian tới khu vực này vẫn có thể xảy ra các trận động đất từ 5-5,5 độ richter.

Trước nhận định sơ bộ của ông Nguyễn Xuân Anh là động đất ở Kon Tum có khả năng liên quan động đất kích thích, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ không chủ quan với cả những nguyên nhân khác. Theo ông Thực, thủy điện thượng Kon Tum mới đưa vào vận hành nên đề nghị tỉnh Kon Tum hoàn thiện phương án phê duyệt an toàn hồ chứa, quy trình vận hành để đảm bảo vận hành hồ an toàn, cũng như không gia tăng thêm dư chấn…

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết trong những ngày qua, rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng đã gọi điện lên tỉnh hỏi nguyên nhân dẫn tới các trận động đất xảy ra liên tiếp từ ngày 15/4 đến nay. "Tuy nhiên, nguyên nhân thế nào thì chúng tôi cũng chưa rõ, bởi không có chuyên môn về lĩnh vực này. Vì thế, chúng tôi rất mong có các phân tích, nhận định của các nhà khoa học, cơ quan trung ương, để địa phương sớm đưa ra cảnh báo".

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, đảm bảo sơ tán mọi công dân trong vùng nguy hiểm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất. Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp tích cực với Viện Vật lý địa cầu để khẩn trương tìm ra nguyên nhân và nguy cơ xảy ra động đất, cắm biển cảnh báo kịp thời, xây dựng và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn ứng phó tới người dân. Ngoài ra, cần sớm đánh giá đúng nguy cơ động đất trong thời gian tới để lên phương án và kịch bản ứng phó cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân.