Thời gian qua, ở nhiều nơi, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất tùy tiện, như tăng nồng độ, liều lượng, phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun, phun thuốc trừ sâu khi chưa đến mức phải phun… Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, bản thân người sử dụng cũng khó trảnh khỏi hệ lụy. Thậm chí, cả những nông dân sản xuất “sạch” cũng trở thành nạn nhân. “Năm đó tôi trồng mận, quả to nhưng nhiều người đem ngâm hóa chất để làm đẹp quả, người dân phát hiện ra, họ sợ không mua nữa, thế là mận bị ế. Không bán được quả nên chúng tôi phải chặt hết cây”, một chủ vườn ở Thái Nguyên chua xót kể.

Giờ đây, câu chuyện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức, sai cách vẫn còn nguyên tính thời sự, tuy nhiên đã có những tín hiệu đáng mừng.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hàng năm, nước ta sử dụng trung bình khoảng 1,7kg thuốc kỹ thuật/ha, tương đương 4,08kg thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm/ha sản xuất nông nghiệp. Hoạt động sản xuất trong ngành nông nghiệp ngày càng sạch hơn, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giảm mạnh. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2021, lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng trong sản xuất nông nghiệp chỉ còn 45.000 tấn, giảm 6.900 tấn so với năm 2020. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là 37.000 tấn, thuốc sinh học là 8.000 tấn.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT bày tỏ niềm vui khi thấy bà con nông dân ở các địa phương đang từng bước thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng sản xuất sạch và bền vững. Ông cho biết, trong năm 2021 và 2022 vừa qua, ngành nông nghiệp phối hợp với Croplife – tổ chức quốc tế hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận thúc đẩy các hoạt động của ngành khoa học cây trồng, triển khai chương trình "Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả”. Kết quả dù còn khiêm tốn nhưng hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và nhân rộng nhằm thay đổi thói quen dùng thuốc bảo vệ thực vật để cải thiện đời sống của người dân. “Chúng tôi tổ chức các buổi tập huấn cho nhiều đối tượng, từ đơn vị sản xuất đến người kinh doang và những người trực tiếp sử dụng là bà con nông dân. Mỗi đối tượng đều có chương trình tập huấn riêng để nâng cao hiệu quả của các buổi tập huấn”, ông Trung chia sẻ

Ông Trung cho biết vấn đề thu gom, xử lý bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng cũng được chương trình quan tâm. “Chúng tôi đang đẩy mạnh việc truyền thông về thu gom, huy động nguồn lực để xây dựng các cơ sở xử lý bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng”, ông Trung cho biết.

Theo kế hoạch của chương trình "Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả”, Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, người dân phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay vì thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Mục tiêu là hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Nghe bài viết dưới đây: