Việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Các hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. Cũng chính nhờ đó mà tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm vô cùng khởi sắc (GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước). Đây là sự đảo chiều ấn tượng so với mức sụt giảm của quý III, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%.

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, dù mức tăng 2,58% của năm 2021 thấp hơn mức tăng 2,91% của năm ngoái và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, tuy nhiên đây vẫn là một con số được xem là thành công lớn của nước ta trong bối cảnh vừa phòng chống dịch bệnh vừa duy trì phát triển kinh doanh.

PV: Thưa bà Hương, bà nhận định như thế nào về mức tăng trưởng GDP 2,58% trong năm 2021 và đâu là động lực của sự tăng trưởng này?

Bà Nguyễn Thị Hương: Mặc dù nước ta đã chịu tác động khá nặng nề bởi đại dịch covid-19 đến các hoạt động kinh tế xã hội, nhưng sau khi có nghị quyết 128 của Chính phủ thì nền kinh tế đã có sức bật trở lại với mức tăng trưởng quý IV là 5,22%, tạo nên mức tăng trưởng của cả năm đạt 2,58%. Đây là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh khó khăn và động lực của sự tăng trưởng này có thể kể đến đầu tiên đó là khu vực nông lâm nghiệp thủy sản đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Chúng ta vẫn đảm bảo được an sinh, an dân trong đại dịch. Thứ hai là công nghiệp chế biến, chế tạo đã được mức tăng trưởng và đảm bảo kết nối với thị trường trong nước và quốc tế tạo ra sức xuất khẩu của chúng ta trong quý I cũng đã tăng trở lại. Bên cạnh đó thì niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như dịch vụ đã được khôi phục với mức tăng trưởng dương trong năm. Một số hoạt động dịch vụ có ứng dụng công nghệ thông tin không bị đứt gãy như hoạt động tài chính ngân hàng thông tin truyền thông, y tế, giáo dục cũng đã có đóng góp rất quan trọng trong mức tăng trưởng dương

PV: Nhìn lại một năm qua và cũng từ những con số thống kê, bà đánh giá ra sao về những cơ hội đã được nắm bắt cũng như những cơ hội bị bỏ qua trong cách thức điều hành kinh tế xã hội của năm 2021?

Bà Nguyễn Thị Hương: Tôi cho rằng, kinh tế và xã hội vừa qua gắn rất chặt với nhau, không thể tách rời. Việc thần tốc tiêm vắc xin, đặc biệt tập trung trong quý IV là những quyết định hết sức táo bạo và thậm chí các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế cũng không thể tin được là trong quý IV mà chúng ta đã gần như hoàn thành vượt toàn bộ chỉ tiêu. Đây cũng là nền tảng hết sức quan trọng cho thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ trong quý IV. Nếu không an toàn, không yên tâm thì không ai có thể phát triển được. Do đó, đây là điều kiện tiên quyết, là quyết sách hết sức đúng đắn. Còn trong nửa đầu năm do nguồn cung vắc xin còn hạn chế và rất nhiều kết nối chưa thể làm ngay được nên chúng ta có thể bị chậm nhịp một chút, nhưng bù lại bằng quyết sách và với cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các nhà lãnh đạo cấp cao đã vào cuộc đảm bảo cho Việt Nam có những gói cứu trợ xã hội kịp thời. Đó chính là những điểm hết sức quan trọng, gắn chặt giữa xã hội và kinh tế không thể tách rời.

PV: Sang năm 2022, từ góc độ của Tổng cục Thống kê, bà có khuyến nghị gì và đặt niềm tin, kỳ vọng như thế nào trong năm mới?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trong năm 2022 vấn đề đảm bảo an toàn an sinh cho người dân vẫn phải được quan tâm hàng đầu vì có an toàn an sinh thì người dân mới có thể yên tâm tham gia vào các hoạt động sản xuất. Chúng ta phải quan tâm đến việc có các gói cứu trợ cho các người lao động cũng như lực lượng lao động tham gia vào trong quá trình sản xuất. Các gói phục hồi các gói hỗ trợ sẽ tạo động lực cú hích cho nền sản xuất của năm 2022. Bên cạnh đó câu chuyện vắc xin với tinh thần nhanh nhất thần tốc nhất sẽ cần tiếp tục triển khai trong những tháng đầu năm 2022 cùng với việc linh hoạt trong kết nối sản xuất trong nước và quốc tế sẽ đảm bảo cho nguồn cung trong nước cũng như xuất khẩu hay tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đặc biệt là dịch vụ hy vọng rằng sẽ quay trở lại nhịp tăng như trước đây. Đấy cũng là một trong những dư địa rất lớn để chúng ta có thể đảm bảo được mức độ tăng trưởng như kỳ vọng từ 6 đến 6,5%.

PV: Liên quan đến kinh tế xanh có thể trong năm nay cả nền kinh tế đã thúc đẩy theo hướng xanh hơn và môi trường hơn. Vậy theo bà thì đâu là những kết quả bước đầu? Nếu nhìn vào các số liệu thống kê liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng xanh và để chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 đạt được kết quả theo quyết định của Thủ tướng thì bà có khuyến nghị gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Tổng cục Thống kê cũng đã phối hợp và chuẩn bị sẽ ban hành bộ chỉ tiêu phản ánh về tăng trưởng xanh, sau khi chiến lược phát triển tăng trưởng xanh được ban hành. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị bộ chỉ tiêu với dự kiến khoảng 50 chỉ tiêu về tăng trưởng xanh và đang trong quá trình rà soát lần cuối để ban hành ngay sau khi chiến lược tăng trưởng xanh. Và như vậy chúng ta sẽ có một bộ công cụ theo chuẩn quốc tế để đo lường đánh giá cũng như theo dõi, giám sát thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó các chỉ tiêu phản ánh về tăng trưởng xanh là hết sức quan trọng. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có một số liệu, mức độ về tăng trưởng xanh của chúng ta thời gian vừa qua như thế nào và định hướng đến tương lai ra sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam đồng thời cũng đảm bảo các phương pháp luận và so sánh của quốc tế.

Trân trọng cảm ơn bà!

Năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,58%, lạm phát ở mức 1,8%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,9%. Cả nước có 116.800 doanh nghiệp thành lập mới và gần 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 21,1 tỷ USD.