Những giá trị truyền thống của nước ta đã và đang được mỗi gia đình Việt Nam gìn giữ và phát huy trong suốt quá trình phát triển của đất nước. Những giá trị đó không phai mờ theo năm tháng mà ngày càng được vun đắp với những chuẩn mức tốt đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Cách đây khoảng chục năm, không hiếm những gia đình ba hoặc bốn thế hệ cùng chung sống. Cuộc sống hiện đại đang dần thay đổi quan niệm sống cũng như cấu trúc gia đình ở các thành phố lớn khi gia đình hạt nhân hiện đang chiếm đa phần. Tuy không ở gần cha mẹ nhưng những người con vẫn luôn quan tâm, thăm hỏi và động viên cha mẹ nên tình cảm gia đình không có gì thay đổi như chia sẻ của chị Trần Lan Anh, Đống Đa, Hà Nội. Chị Lan Anh cho biết, ở xa hay ở gần không quan trọng mà quuan trọng là sự quan tâm, yêu thương nhau của những người trong gia đình.

Khi con cái đã trưởng thành, lập gia đình, dù không sống cùng bố mẹ nhưng mọi người trong gia đình vẫn luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau như cách mà bà Nguyễn Minh Hoài ở đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình chia sẻ. Bà Hoài thường dành thời gian rảnh rỗi để cùng các con chăm sóc dạy dỗ các cháu. Những dịp lễ hay những đợt nghỉ dài ngày, vợ chồng bà lại cùng con cháu đi du lịch để tăng sự gắn kết. Sở dĩ bà thoải mái với lựa chọn của mình vì bà cho rằng, con cái có cuộc sống riêng, minh không nên bắt con luôn phải ở bên, luôn phải làm theo ý của cha mẹ mà con cháu cũng có những suy nghĩ và cách làm riêng.

Dù không ở cùng nhưng sợi dây liên kết, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu vẫn luôn duy trì. Có được điều đó là do sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thế hệ trong cả cách ứng xử và giáo dục hàng ngày như chia sẻ của bà Phạm Thị Thanh Mai, chuyên gia xã hội. Bà Mai cho biết, giáo dục con cái khi bé rất cần sự tôn trọng, tin tưởng và động viên và khích lệ.

Không chỉ vậy, sự yêu thương con cháu, tôn trọng lẫn nhau giữa hai vợ chồng cũng tạo ra một gia đình ấm cúng. Và chính sự tôn trọng con cái cũng tạo ra sự đầm ấm, hòa thuận. Bà Nguyễn Thanh Bình, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đại gia đình nhà bà rất hòa thuận, kính trên nhường dưới nên lúc nào cũng ngập tràn niềm vui và tiếng cười.

Những bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười là mong ước của rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng làm được điều này do hoàn cảnh, do mưu sinh, do môi trường sống và do cả nhận thức của nhiều bậc làm cha làm mẹ. Do đó, cần thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ. Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái và phải biết cách kiềm chế cơn nóng giận của mình.

Dù khác biệt về tuổi tác, tính cách hay mỗi người làm một công việc khác nhau song những gia đình hòa thuận, cha mẹ quan tâm đến con cháu thì sẽ luôn tạo ra sự bình đẳng, tạo ra một môi trường tốt cho con cái phát triển./.