Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm có dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Già hóa dân số không chỉ có thách thức

Phân tích sâu những khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai, khi dân số bước vào giai đoạn già hoá, các chuyên gia cho rằng: Đầu tiên, già hoá dân số sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu. Thứ hai, già hoá dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội cần được cải thiện.

Tuy nhiên theo ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế việc này không dễ thực hiện. Hiện cả miền Bắc mới chỉ có duy nhất Viện Lão khoa quốc gia là bệnh viên chuyên khoa dành cho đối tượng người cao tuổi. Những chính sách an sinh xã hội cũng mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi như: Người già neo đơn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi...

“Thời gian đau ốm trong cả cuộc đời của một con người là khoảng hơn 15 năm và không những thế chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép. Trung bình mỗi một người cao tuổi Việt Nam mắc ba bệnh và có khoảng 95% người cao tuổi có bệnh mãn tính. Trong khi đó thì hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi”, ông Mai Xuân Phương phân tích.

Ngoài ra một thách thức nữa cũng cần nhắc tới, đó chính là già hoá dân số sẽ khiến cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn...

Thách thức là điều không thể chối bỏ, nhưng theo ông Mai Xuân Phương, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận cả trên khía cạnh tích cực, dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây còn là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.

Đặc biệt, với dân số nhiều người cao tuổi, nếu những giá trị về mặt kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, sản xuất... được tận dụng thời cơ và phát huy tối đa, chúng sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội của quốc gia.

Thiết lập kế hoạch tài chính sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già

Ở góc độ cá nhân, người cao tuổi sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho con cháu nếu họ vẫn tự chủ, độc lập được khía cạnh tài chính và còn khả năng tham gia vào lực lượng lao động ở cấp tư vấn, quản lý.

“Tuổi già sợ nhất là phụ thuộc về tài chính lẫn tinh thần vào con cháu”, chính vì suy nghĩ như vậy này nên ngay sau khi về hưu, ông Thái đã cùng vợ mở một quán cháo trong một con ngõ nhỏ ở Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Quán cháo không quá đông. Khách chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, nhưng nhờ chăm chỉ lao động nên hơn chục năm qua, ông bà cũng bồi đắp thêm vào sổ tiết kiệm nhỏ có trước khi về hưu. Cuộc sống vì thế mà cũng nhẹ nhàng hơn.

Còn với ông Hồ Hữu Thịnh ở quận Hoàng Mai, là lao động tự do. Ngay từ khi còn sức khỏe, còn lao động, ông đã ý thức “sẽ không phụ thuộc vào con” khi xế chiều.

“Mình phải tích lũy chứ, không có bất động sản, chỉ là tiền gửi ngân hàng để không lệ thuộc vào ai…Cuộc sống chủ động, mình thích làm gì mình làm, mình thích ăn gì mình ăn”. Tâm sự điều này, ông Thịnh cho rằng khi có một nguồn lực tài chính nhất định, người già càng có cơ hội tận hưởng niềm vui ở tuổi hoàng hôn.

Hiện có khoảng hơn 1/3 người cao tuổi ở nước ta đang tham gia vào thị trường lao động và có nhu cầu tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, để tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập là điều không hề đơn giản đối với người cao tuổi. Họ đang gặp phải rất nhiều những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập.

“Hiện có rất nhiều rào cản về quan niệm việc làm với người cao tuổi như trình độ hạn chế, suy giảm sức khỏe, chính sách việc làm với người cao tuổi…”, ông Mai Xuân Phương cho rằng, chính điều này đã khiến người cao tuổi không tiếp cận được với các chương trình đảm bảo sinh kế có chất lượng.

Theo một khảo sát "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" tiến hành trên 2 nghìn người từ 30 đến 44 tuổi tại Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 và 10-2021 cho thấy, chỉ có gần 29% tổng số người trong diện khảo sát có lên kế hoạch để đạt được cuộc sống như mong muốn khi về già. Điều đó cho thấy, đứng trước những thách thức từ già hóa dân số ở tương lai gần, người Việt vẫn còn thiếu sự chuẩn bị kế hoạch cho bản thân.

Chính sách nào để thích ứng với già hóa dân số?

Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y, Mai Xuân Phương cho rằng già hóa dân số là xu hướng chung của thế giới. Đó là quy luật không thể nào cưỡng được. Tất cả các quốc gia phải chuẩn bị cho già hóa dân số khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần tính đến một mô hình mới phù hợp với vấn đề già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi.

Ông Mai Xuân Phương khẳng định, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích". Hệ thống luật pháp, chính sách chăm sóc người cao tuổi tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và đạt 85% vào năm 2030.

Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Ngoài những chính sách mang tầm vĩ mô, ông Mai Xuân Phương cũng đề xuất, để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi... Về kinh tế, phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già. Về chăm sóc sức khỏe, phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Rõ ràng, già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, song cũng mang đến nhiều cơ hội. Vấn đề là cách thức mà chúng ta lựa chọn để giải quyết các thách thức, cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mà dân số già hóa nhanh chóng mang lại nhằm xác định liệu xã hội có được hưởng lợi hay không từ "cơ hội dân số già".