Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cho biết, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai khiến ô nhiễm nhựa không khác gì một tai họa. Nhiều sản phẩm nhựa tồn tại trong môi trường từ 450 năm đến 1000 năm. Rác nhựa hủy hoại hệ sinh thái. Hạt vi nhựa được phát hiện cả trong máu và tế bào con người.
Còn tại Việt Nam, Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn (gồm 1,6 triệu tấn ở đô thị, 1,3 triệu tấn ở nông thôn) và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn (trong đó 1,55 triệu tấn ở đô thị, 0,85 triệu tấn ở nông thôn). Tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Trong đó, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Theo bà Đặng Nguyệt Anh - Quản lý Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) được chủ trì bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ở Việt Nam, những con số trên không chỉ mang ý nghĩa thống kê, mà nó còn là tiếng chuông cảnh báo khi môi trường sống của chúng ta đang bị rác thải nhựa bao vây. "Nếu chúng ta không hành động và hành động ngay lập tức thì những tác động của ô nhiễm nhựa sẽ ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến sức khỏe của cộng đồng. Phòng chống ô nhiễm nhựa không phải là câu chuyện của riêng ai, không phải là câu chuyện của Chính phủ, của một tổ chức về môi trường hay một nhà nghiên cứu khoa học nào, mà là câu chuyện của tất cả chúng ta và chúng ta cần hành động!" - bà Nguyệt Anh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyệt Anh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng những năm gần đây: Nguyên nhân thứ nhất, nhựa là một loại vật liệu vô cùng rẻ và tiện dụng. Có thể thấy việc ứng dụng của nhựa trong cuộc sống: trong rất nhiều ngành công nghiệp, trong những sản phẩm chúng ta dùng hằng ngày, trong nguyên nhiên liệu nông nghiệp, công nghiệp, trong các dịch vụ vận chuyển... Nguyên nhân thứ hai là ý thức của một bộ phận người dân hiện tại vẫn chưa cao, dẫn đến những hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường. Các điểm tập kết rác ở các khu đô thị cũng như ở trong các chợ truyền thống thì việc xả rác ra môi trường có thể nhìn thấy hằng ngày.
Và khi nguồn rác thải không được kiểm soát thì theo thời gian, chúng sẽ bị rửa trôi ra môi trường và rò rỉ vào các nguồn nước sông suối, vào các hệ sinh thái tự nhiên. Một nguyên nhân nữa cũng rất quan trọng, đó là Việt Nam đang thiếu hạ tầng đồng bộ để phân loại rác thải tại nguồn. Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020, việc phân loại rác, chất thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất vào ngày 31/12/2024 và để quy định của Luật này đi vào cuộc sống thì điều kiện cần là một quy chuẩn để vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại thu gom, xử lý rác thải cũng phải thực hiện đồng bộ.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người do rác thải nhựa gây ra, bà Nguyệt Anh nêu 2 giải pháp: Thứ nhất, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân đối với vấn đề rác thải nhựa. Mỗi người dân, mỗi cụm dân cư, các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ đều có vai trò, trách nhiệm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa trong toàn bộ chuỗi giá trị về nhựa. Điều này cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, đóng vai trò là điều hướng và thúc đẩy các giải pháp. Thứ hai là các sáng kiến thay đổi hành vi trong cộng đồng để áp dụng những mô hình về kinh tế tuần hoàn. Đây là điều rất quan trọng. Vì trong kinh tế tuần hoàn có các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mời nghe bài viết tại đây: