Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một chương trình trọng điểm, nhằm mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn
Cho đến thời điểm này, Chương trình đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức đề ra; đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Tính đến tháng 3/2025, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều trên cả nước giảm còn 1,93%, đạt chỉ tiêu giảm bình quân từ 1-1,5%/năm. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu kỳ là gần 2,4 triệu hộ, dự kiến cuối năm 2025 còn khoảng 1,25 triệu hộ, đạt 52,49%, vượt 2,49% so với chỉ tiêu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Về hỗ trợ lao động, 100% lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu đều được tư vấn, hướng nghiệp, kết nối thị trường lao động. Gần 6.300 phiên giao dịch việc làm được tổ chức và hơn 1,1 triệu người sử dụng lao động cùng gần 3 triệu người tìm việc đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu.
Khoảng 134.000 lao động thuộc hộ ngèo, hộ cận nghèo đã được kết nối thành công qua các phiên giao dịch việc làm. Đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho khoảng 90 nghìn hộ, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các huyện nghèo có điều kiện sinh sống ổn định, an toàn, nhất là trước tác động của thiên tai, nâng cao khả năng tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững...
Đặc biệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn trong giai đoạn này, các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mới đây trong một cuộc họp báo công bố kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Lê Bình, Phó chánh Văn phòng, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, rất nhiều mô hình giảm nghèo được đánh giá tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nhân rộng các mô hình phù hợp với điều kiện từng vùng miền sẽ là chìa khóa quan trọng để hướng đến một Việt Nam không còn đói nghèo, phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai.

Cũng tại buổi họp báo này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố định hướng tham mưu Chính phủ: Hợp nhất hai Chương trình mục tiêu Quốc gia thành một chương trình thống nhất giai đoạn 2026 - 2035 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, cộng đồng làm nền tảng, phát triển bao trùm và bền vững làm định hướng xuyên suốt. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, tinh gọn bộ máy chỉ đạo mà còn là sự cụ thể hóa tầm nhìn phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân chủ và hạnh phúc.
Ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, quyết định hợp nhất sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định, Bộ với vai trò là cơ quan tham mưu, đề xuất. “Quan điểm chung là chúng ta sử dụng nguồn lực tốt nhất, hướng đến đối tượng trực tiếp nhất và lấy chủ thể là người nghèo, người nông dân. Điều quan trọng là chúng ta có sự tương tác, hỗ trợ bằng các nguồn lực khác, không chỉ dựa vào nguồn lực từ ngân sách Trung ương mà còn phải từ chính người nghèo và từ chính cộng đồng”. Chính vì thế theo ông Võ Văn Hương việc tích hợp 2 chương trình mục tiêu quốc gia là tổng hợp tất cả nguồn lực để đạt được hiệu quả cao nhất.
Những kết quả toàn diện đạt được trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là nền tảng quan trọng để Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu cao hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn. Tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ được thể hiện trong thiết kế chính sách mà còn in đậm trong từng hành động cụ thể, từng mô hình phát triển, từng công trình, từng hộ dân được tiếp cận cơ hội.