Theo Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022, khối lượng chất thải nhựa mỗi năm ở nước taThe Circulate Initiative (2023), trên thế giới có xu hướng tăng và đạt khoảng 2,93 triệu tấn/năm. Trong đó, có một 60% lượng lớn rác thải nhựa được những người làm nghề ve chai, đồng nát phân loại và thu gom và tái chế nhờ vào 20 triệu lao động phi chính thức. Tại nước ta, khu vực phi chính thức, trong đó đến 90% thành phần là nữ giới, giúp thu gom hơn 30% các loại rác nhựa có thể tái chế, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức. Dù không phải công việc chính thức, không nằm trong quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng những người thu mua đồng nát, ve chai lại là những nhân tố tích cực, đóng góp lớn vào chu trình tái chế rác thải nhựa ở nước ta hiện nay.

Không khó để bắt gặp tiếng rao quen thuộc “đồng nát, sắt vụn đây” trên mọi ngóc ngách, con phố từ làng quê cho tới thành thị. Việc rong ruổi trên khắp các tuyến phố giúp nhiều người làm nghề đồng nát thu gom được một lượng lớn rác thải nhựa từ các hộ gia đình, các cửa hàng, cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Một trong những khó khăn hiện nay chính là phân loại rác thải nhựa sinh hoạt tại nguồn trong khi số lượng rác thải hàng ngày có xu hướng tăng cao do quá trình đô thị hóa. Nhiều người vẫn có thói quen để chung các loại rác thải với nhau thay vì phân loại rác ra từng loại riêng biệt. Bên cạnh đó, việc xử lý, tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, bởi đây là loại rác rất khó bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Chúng có thời gian phân hủy rất dài, hàng trăm năm lên tới hàng nghìn năm, gây tác hại rất lớn cho cuộc sống con người.

Trong bối cảnh đó, mạng lưới ve chai, đồng nát đã phát huy hiệu quả trong việc thu gom, thúc đẩy hoạt động phân loại rác tại nguồn. Sau 6 năm nghiên cứu, nhóm tác giả thuộc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ước tính, hiện nước ta có khoảng gần 3 triệu người đang hoạt động trong ngành thu gom tái chế rác thải phi chính thức. Dù thuộc nhóm lao động không ổn định nhưng người làm nghề đồng nát như chị Phan Thị Hạnh ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội đang mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đơn vị thu gom. Cùng với đó, chị Phan Thị Hạnh còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác, biến rác thải nhựa thành tài nguyên.

“Chị em vừa đi thu gom chai lọ, ve chai, lại vừa tuyên truyền cho nhau. Mình bán lấy tiền tăng thêm thu nhập, khi gặp các hộ gia đình thì lại tuyên truyền ý thức phân loại rác thải nhựa” - chị Hạnh chia sẻ.

Rác thải thường được xử lý theo hình thức chôn lấp hoặc đốt. Theo số liệu từ Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế, Đại học Kiến trúc Hà Nội, mỗi ngày trung bình 7.500 tấn rác được đem đi chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn, Hà Nội. Bên cạnh hoạt động thu gom rác chính thức của các công ty môi trường, thu gom rác nhựa từ những người đồng nát giúp giảm bớt đáng kể rác thải phải mang đi chôn lấp, tránh quá tải cho các khu xử lý rác hiện nay.

Bằng việc thu gom rác thải nhựa mỗi ngày, chị Lê Ngọc Oanh ở Cầu Giấy, Hà Nội đang góp phần tăng khả năng tái chế các loại rác nhựa, giảm phát thải ra môi trường.

“Công việc của tôi cũng là làm xanh sạch đẹp môi trường, đường sá sạch sẽ...Xe cộ đi mà gặp chai nước, trơn trượt nguy hiểm. Chẳng kể mưa nắng, cứ đi rong ngoài đường, ai có đồ bán thì gọi”, chị Oanh nói.

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, ước tính có hơn 30% lượng rác thải được thu gom thông qua mạng lưới phi chính thức. Rác thải nhựa sau khi được đồng nát, ve chai thu gom sẽ được chuyển đến đại lý thu gom. Các loại đồ nhựa sẽ được rửa sạch, ép khối và chuyển về các làng nghề tái chế. Từ đây, rác thải nhựa, phế liệu được tái chế, tạo thành nhiều loại sản phẩm nhựa khác, phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội.

Lực lượng ve chai, đồng nát với số lượng lên tới hàng triệu người, đang làm rất tốt công việc phân loại rác thải nhựa. Chuyên gia Đào Xuân Lai, Trợ lý đại diện thường trú và Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc Việt Nam ghi nhận những đóng góp rất lớn của lực lượng ve chai: “Ngành ve chai đóng góp cực kỳ lớn giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngành này chưa được công nhận chính thức”.

Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, nghề đồng nát vốn là một nghề phi chính thức nhưng lại là lực lượng tiên phong trong thực hiện kinh tế tuần hoàn và đóng góp lớn vào chu trình tái chế rác thải ở nước ta. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tái chế, nhưng những người làm nghề ve chai vẫn là lực lượng phi chính thức. Họ thường không nhận được sự tôn trọng trong xã hội, môi trường làm việc độc hại, thu nhập không ổn định và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.

Theo Chuyên gia Hoàng Dương Tùng, về lâu dài để hoạt động thu gom ve chai có hiệu quả hơn, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống sinh hoạt cho lực lượng này.

“Nên có cách nào đó đảm bảo cho sức khỏe, vấn đề an sinh cho người làm nghề thu mua đồng nát. Họ cũng nên được đào tạo một số kiến thức nhất định về cách thu gom sạch sẽ, đảm bảo môi trường. Việc gì nên làm, không nên làm” – ông Tùng khẳng định.

Mặc dù nhiều mô hình, chiến dịch về phân loại rác được phát động nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, thì lực lượng ve chai vẫn đảm nhiệm phần lớn công việc khó khăn này mà chưa có sự ghi nhận xứng đáng. Thiết nghĩ cần có những cơ chế hỗ trợ đội ngũ thu gom phi chính thức nhằm khuyến khích, phát huy hiệu quả thu gom rác thải nhựa, góp phần giải quyết bài toán bảo vệ môi trường ở nước ta./.