Từ ngày 01/7/2024, thu nhập của người lao động đã được tăng lên đáng kể. Theo đó, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng. Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức cũng được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%, nếu vẫn giữ nguyên những bất cập của luật hiện hành thì “gánh nặng” của người nộp thuế sẽ chỉ ngày một gia tăng.
Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009, khi đó giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng; giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Khi sửa đổi luật này năm 2013, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, biểu thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện nay là quá lạc hậu, bởi biểu thuế được ban hành từ rất lâu. Trong khoảng thời gian áp dụng biểu thuế dài như vậy, giá cả thị trường đã tăng rất nhiều. Trong khi đó, thu nhập và tiền lương mặc dù có điều chỉnh theo hướng tăng nhưng giá cả thị trường cũng tăng, thậm chí mức lương tăng không đuổi kịp mức giá hàng hóa trên thị trường.
“Tính từ năm 2020, thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì đến nay có thể thấy các mức sinh hoạt phí của nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng hơn rất nhiều, thậm chí có những mặt hàng tăng gấp 2 gấp 3 lần và nó tăng hơn rất nhiều so với mức lạm phát bình quân hằng năm. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu cơ bản của người dân”. Bởi vậy theo TS Lê Duy Bình, nếu nhìn sâu hơn vào một số mặt hàng hóa thiết yếu hàng trong cuộc sống hằng ngày của người dân thì rõ ràng là mức chiết trừ gia cảnh hiện nay đã quá lạc hậu không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa.
Tại phiên họp báo do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, trả lời về lý do chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đại diện Bộ Tài chính giải thích, Luật Thuế Thu nhập cá nhân quy định: Khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ chưa biến động đến mức 20%. Thời gian tới Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định.
TS Lê Duy Bình cho rằng, việc căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% là chưa đầy đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay nhiều chính sách thuế biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Chẳng hạn Thuế thu nhập cá nhân hiện hành với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, của giá cả, của lạm phát. Có nội dung lạc hậu cả chục năm và đây là những bất cập rất lớn.
“Càng sớm càng tốt, Bộ Tài chính nên trình phương án nâng mức giảm trừ gia cảnh lên Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Không nên để người nộp thuế chờ đợi thêm nữa”. Bởi theo TS Lê Duy Bình, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ khiến nhiều người dân trong cảnh thắt lưng, buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. TS Lê Duy Bình phân tích, trước những nỗ lực cải thiện, nâng cao thu nhập của công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước thì việc sớm điều chỉnh mức chiết trừ gia cảnh sẽ mang lại ý nghĩa càng tích cực hơn. Đồng thời việc này cũng sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động của khu vực công hiện nay.
Về lâu về dài, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng năm và căn cứ vào đó để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo năm, chứ không thể đợi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% theo quy định như hiện nay. Đặc biệt khi nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng cần tính đến yếu tố vùng miền.
“Chúng ta không thể sử dụng chung mức chiết trừ gia cảnh cho những bộ phận công chức viên chức, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay những thành phố lớn với một bộ phận người dân các tỉnh nhỏ khác với mức chi tiêu thấp hơn rất nhiều”. Bên cạnh đó, TS Bình cũng nhấn mạnh, thực tế còn nhiều khoản phát sinh cần thiết của người nộp thuế mà Bộ Tài chính cần phải liệt kê để được giảm trừ thuế. Ví dụ như chi phí khám, chữa bệnh, giáo dục, xây, sửa nhà…“Tất cả người dân phải chi cho giáo dục, y tế, chữa bệnh hiểm nghèo, rồi chi phí giáo dục cho con cái khi mở hệ thống trường công, đều là những khoản chi phí rất lớn thì cũng cần phải được tính vào chi phí chiết trừ gia cảnh này”, TS Bình đề xuất.
Đóng thuế là nghĩa vụ công dân phải chấp hành, nhưng chính sách thuế hợp lý lại phải là “khoan thư sức dân”. Có như vậy, nguồn thu thuế mới bền vững do bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời người dân sẽ không bị nghèo đi vì thuế.