Với chủ đề “Lên tiếng vì thiên nhiên”, Giờ Trái đất năm 2021 tổ chức vào lúc 20g30 ngày 27/03 đã thu hút được nhiều người tham gia. Giờ Trái đất 2021 chủ yếu là tiến hành trực tuyến nhưng không vì thế mà giảm bớt hiệu quả. Vớiq hai chủ đề là “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”. Hoạt động “Tắt đèn” được phát động trong vòng một giờ nhằm biểu thị ý thức của con người đối với tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học và thiên nhiên nói chung. Sự kết nối trực tuyến với sự tham gia của nhiều tình nguyện viên trên khắp cả nước. Trước đó, nhiều hoạt động thực tiễn của các bạn trẻ cũng đã diễn ra như chạy bộ, giảm rác thải nhựa... Bạn Đinh Thị Hồng, sinh viên Học viện Phụ nữ cho biết, mỗi bạn trẻ đều tự ý thức được việc bảo vệ trái đất - bảo vệ môi trường sống bằng chính những hành động nhỏ của mình như mang theo chai nước cá nhân, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần.... Điều đó sẽ giúp bảo vệ môi trường sống, giảm năng lượng sử dụng trong sản xuất giúp hành tinh xanh hơn.

Thử thách 30 ngày sống xanh là hoạt động mở đầu cho chiến dịch Giờ Trái đất 2021 trên mạng xã hội nhằm kêu gọi và truyền cảm hứng cho các cá nhân thực hiện các hành động thân thiện với môi trường như một tuần đi xe đạp, ăn chay, không bỏ phí thức ăn, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, công sở và nơi công cộng... Người tham gia sẽ chia sẻ hình ảnh thực hiện thử thách của mình và kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia. Bạn Phan Thị Hồng Diễm cho biết, thay đổi nhận thức của bản thân, mỗi bạn trẻ sẽ là động lực để giúp những người xung quanh thay đổi, từ đó lan tỏa và nhân rộng hành động xanh, bảo vệ môi trường.

Sống xanh mỗi ngày sẽ tập trung vào việc từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, thìa nhựa... bằng cách mang đồ cá nhân bên mình mỗi khi ra ngoài. Vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa an toàn sức khỏe lại vừa bảo vệ môi trường. Không những thế, tái chế rác thải nhựa cũng là một trong những hoạt động được tập trung vì rác thải nhựa nếu được thu gom, phân loại và tái chế hợp lý thì sẽ trở thành một nguồn tài nguyên có giá trị, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp cho môi trường được bảo vệ, không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên. Sinh viên Phạm Quang Tuấn, trường Đại học Bách khoa cho biết, thay đổi trong cách sử dụng sẽ giúp thay đổi thói quen. Để hạn chế rác thải nhựa thì trước khi tái chế cần từ chối sử dụng các loại nhựa dùng một lần.

Với những hoạt động thiết thực, sau 13 năm tham gia, từ chỗ chỉ có 6 tỉnh, thành phố hưởng ứng, đến nay chiến dịch Giờ Trái đất đã được hiện thực hóa ở Việt Nam bằng việc có 63 tỉnh thành phố trên cả nước cùng tham gia sự kiện, với nhiều hoạt động hiệu quả. Những hoạt động tuyên truyền và hành động thiết thực trong cuộc sống để bảo vệ môi trường, góp phần giảm những tác động xấu đến môi trường là hành động hữu ích của các bạn trẻ và cộng đồng bảo vệ hành tinh xanh ./.