Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1/6 về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh: “Gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân. Do đó đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả”.
Theo đại biểu Tạ Minh Tâm, việc ban hành các nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ví như cú hích nhằm phục hồi và vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin, sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung vẫn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng. Đến nay dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc có đến nhưng chưa đáng kể.
Thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất… Trong khi mục tiêu đặt ra của các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay, đồng thời các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị: “Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, cân nhắc các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cần điều chỉnh các nội dung không còn mang tính cấp thiết, tập trung cho các lĩnh vực trọng tâm, then chốt, có tác động lan tỏa, củng cố và phát huy vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp. Đồng thời, rà soát lại các dự án trong danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Còn theo đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông):“Hiện giá nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp và đây cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 43 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022-2023.
Nhấn mạnh trong thời gian qua cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng nên công tác giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng, công tác giảm nghèo thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, vẫn còn tình trạng nghèo, đói nghèo, tái nghèo.
“Vì vậy, đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, cần có giải pháp toàn diện, lâu dài. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, gắn chặt chẽ với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo tổng thể công tác triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025” - bà Phạm Thị Kiều kiến nghị.
Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, đại biểu đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ: “Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động. Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng. Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực”.